Ông bà anh chị em
thân mến. Tôi nghĩ rằng câu chuyện sau đây, là câu chuyện có thật đã xảy
ra tại tiểu bang Texas. Chủ của một quán “bar” ở thành phố Mt. Vermon quyết
định mở rộng quán của mình. Trong
khi đó, Giáo phái Tin lành địa phương, chúng ta biết Giáo phái không
chấp thuận uống rượu, quyết định mở một cuộc vận động cầu nguyện liên
nỉ để ngăn chặn việc mở rộng quán bar của chủ nhân.
Công trình xây dựng mở rộng quán bar
tiến hành cho đến tuần cuối cùng trước khi khai trương thì bị xét
đánh, thiêu hủy toàn thể khu vực quán bar. Sau khi quán bar bị thiêu hủy, những tín
hữu trong Giáo phái Tin lành địa phương này bắt đầu khoe khoang, tán
dương về hiệu quả và sức mạnh của
lời cầu nguyện của mình. Vì thế,
chủ quán bar đưa đơn kiện Giáo phái này ra tòa, căn cứ vào lý do:
Giáo phái này phải chịu trách nhiệm về hành động trực tiếp hay gián
tiếp vào sự tiêu hủy quán bar của ông. Ra tòa, ông chánh án đọc và
xem xét những lời buộc tội của chủ quán và những lý do của Giáo
phái Tin lành đưa ra để phản đối, chống lại. Sau đó ông chánh án đã
bình luận rằng: “Tôi không biết phải xử vụ án này ra sao! Nhưng hình như chúng ta có thể nhận xét
ở đây là: một bên người chủ quán bar tin vào sự hiệu nghiệm và sức
mạnh của lời cầu nguyện. Ngược
lại bên kia, toàn thể tín hữu của Giáo phái Tin lành này lại không
tin vào sự hiệu nghiệm sức mạnh và quyền năng của lời cầu nguyện!”
Ông bà anh chị em
thân mến. Bài Tin mừng hôm nay rất
phong phú về ý nghĩa và nhiều chủ đề rất quan trọng, và một trong
những chủ đề quan trọng là đức tin. Bài Tin mừng cho chúng ta biết Chúa
Giê-Su Phục Sinh hiện ra ban cho các môn đệ ơn bình an thật. Người ban cho họ một mệnh lệnh tiếp
tục sứ vụ của Người, Chúa nói: “Như
Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con.” Và để giúp các môn đệ chu toàn sứ vụ
quan trọng này, Chúa hứa ban Thánh Thần phù trợ, và một công việc
trong sứ vụ này mà họ sẽ phải làm là tha tội. Sứ vụ tha tội này đưa đến sự kiện về
việc chỉ định Chúa nhật này là Chúa nhật Lòng Thương Xót. Tuy nhiên chúng ta biết lòng thương xót
của Chúa không chỉ thu hẹp vào tuần này, nhưng Thiên Chúa sẵn sàng
tha thứ tội lỗi bất cứ lúc nào chúng ta chạy đến với Người, với
tâm hồn ăn năn thống hối chân thành.
Sau đó chúng ta được
nghe câu chuyện của Tô-ma, người đã vắng mặt khi Chúa hiện ra một
tuần trước đó. Trong lần hiện ra
trước đó này, Chúa đã cho các tông đồ xem tay chân và cạnh sườn,
thấy những vết thương Người đã chịu trong cuộc khổ nạn, để các ông
tin rằng Người đã sống lại thật, và để củng cố đức tin cho các ông.
Tin mừng không cho chúng ta biết lý do tại sao Tô-ma không có mặt cùng với
anh em của mình khi Chúa hiện ra, vì thế sau khi trở về, ông từ chối
không tin việc Chúa đã phục sinh sống lại cho đến khi có những bằng
chứng xác thực, đó là được thấy và chạm vào những vết thương của Chúa.
Một tuần sau đó và có sự hiện diện
của Tô-ma, Chúa đã ban cho ông ân sủng chứng kiến tận mắt và nhìn
thấy những dấu chứng. Chúng ta
không thể tưởng tượng được niềm vui của các tông đồ to lớn như thế
nào. Khi Chúa hướng cái nhìn về
phía Tô-ma thì có lẽ mọi cặp mắt của các tông đồ đều hướng về đó,
đợi chờ một sự “phán xét” hay “hình phạt” của Chúa. Chúng ta cũng có thể nghĩ rằng làm sao
các tông đồ quên được thái độ khép lòng và cứng lòng tin của Tô-ma.
Thế nhưng Chúa đã làm gì? Không
một lời khiển trách nặng nề. Trước
thái độ quá bất ngờ của Chúa, Tô-ma đã nói lên niềm tin của mình
bằng những lời tuyên xưng thật đẹp: “Lạy Chúa của con. Lạy Thiên Chúa
của con.” Với lời tuyên xưng này,
đức tin của Tô-ma đã vươn lên một tầm cao mới, đó là, tin mà không
cần thấy. Cuối cùng, Chúa tuyên bố
với tất cả mọi người biết phúc cho những ai không có những kinh nghiệm
của Tô-ma và những người khác có, Chúa nói: “Phúc cho những ai đã không
thấy mà tin.” Có nghĩa là, Chúa kêu
gọi chúng ta vượt qua mức độ tin thấp, đó là, tin vì thấy hay dựa
vào những bằng chứng thực tế, để vượt lên mức độ tin cao hơn, đó là,
tin mà không cần thấy, không cần những bằng chứng, mà dựa vào tình
yêu.
Mấy tuần trước trong
mùa chay, tôi có đọc một cuốn sách viết về những khái niệm thông
thường của đức tin của thánh Gioan Thánh giá, tiến sĩ Giáo hội. Ngài nói rằng đức tin cho chúng ta hiểu
biết những điều chúng ta không thấy.
Đây là một sự hiểu biết siêu nhiên, không thể có được do những
sự kiện hiển nhiên hay do sự suy luận của lý trí. Ngài nói tiếp, đức tin không trái ngược
hay mâu thuẫn với lý trí, nhưng những gì đức tin truyền đạt cho chúng ta
không thể có được do lý trí. Trong cuộc
sống đời này, chúng ta không thể hiểu biết hoàn toàn Thiên Chúa là
gì, chỉ nhờ Kinh thánh mà chúng ta biết Thiên Chúa là tình yêu. Và chỉ qua đức tin thuộc về phía chúng
ta, và ân sủng do Chúa ban, mà chúng ta mới có thể vượt lên và tiến
xa hơn trong tiến trình hiểu biết Thiên Chúa và kết hợp với Người
mật thiết hơn. Thánh Gioan Thánh
giá khẳng định một cách đơn giản rằng: “Khi đức tin của một người
triển nở lớn hơn, cao hơn người đó sẽ khắng khít và yêu mến Chúa
hơn.”
Thánh Tô-ma và
những tông đồ khác dĩ nhiên phải xem thấy Chúa Ki-tô Phục sinh tận
mắt, và chúng ta không biết các ngài có sờ tận tay vào những vết
thương của Chúa không. Nhưng chúng ta biết các ngài đã có một đức tin
vào Chúa lớn hơn và một có tình yêu mạnh mẽ và mật thiết hơn với
Chúa. Các ngài mang một trọng
trách, một sứ vụ rất quan trọng là làm chứng một cách xác thực sự
sống lại của Chúa cho những người không thấy để họ tin và yêu mến
Chúa Ki-tô Phục sinh. Tin mừng thánh Gioan chương sau đó cho chúng ta
biết qua lòng yêu mến và đức tin này mà chúng ta có sự sống trong
Danh Thánh Chúa, một sự sống sẽ dẫn đưa chúng ta một ngày nào đó
được rờ tận tay và xem tận mắt dung nhan của Thiên Chúa trên Nước
Trời.
Xin cho tất cả chúng ta có lòng xác tín vào Chúa Giê-si Ki-tô Phục sinh, để chúng ta trở thành sứ giả lòng thương xót của Chúa, và can đảm trở thành nhân chứng của Chúa trong lời nói và việc làm. Chúng ta hãy nhớ, chúng ta không thể trở thành sứ giả, chứng nhân cho Chúa và rao giảng Tin mừng cho người khác, nếu chúng ta không sống Tin mừng, hay không sống chính cuộc đời của Chúa Giê-su.
Lm. Chánh xứ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét