Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2018

Thứ Sáu Tuần Thánh_2018


Trong khoảng thời gian 200 năm sau khi Chúa Giêsu lên trời, không có một Kitô hữu nào đeo Thánh giá ở cổ và treo trong nhà thờ.  Tại sao?  Bởi vì trong thời kỳ Giáo hội sơ khai, dân chúng chứng kiến những vụ đóng đinh người vào thập giá cho nên họ không cần phải nhắc lại.  Đóng đinh treo trên thập giá là một hình phạt tàn nhẫn và đau đớn.

Chúng ta nghe trong bài Thương khó hôm nay, Philatô ra lệnh giao Chúa Giêsu cho dân đem đi đóng đinh vào thập giá.  Trước khi một tội nhân bị đóng đinh vào thập giá thì bị tra tấn và hành hạ
đánh bằng roi da nhiều tua, mỗi tua có nhiều mấu nhọn bằng sắt.  Mỗi một cái quất, mấu sắt nhọn từ từ ăn sâu vào da thịt, máu chảy ra từ từ cho đến khi gần chết. Sau đó tội nhân mới bị đặt nằm giang hai tay và bị đóng đinh vào thập giá.  Đinh đóng xuyên qua tay và chân là để xiết thân hình sát vào thập giá.  Sau đó họ dựng thập giá lên và lúc đó thân hình trĩu xuống vì sức nặng. Các vết đinh đóng ở tay bị kéo xuống giãn ra làm cho thêm đau đớn.  Tội nhân phải gượng thân mình lên để thở rồi lại chùng xuống, và mỗi lần như vậy thì đau đớn càng gia tăng, hơi thở dần dần yếu đi cho đến trút hơi thở cuối cùng và chết.

Vì lý do quá tàn nhẫn và đau đớn, cho nên trong thời gian ban đầu, các Ki-tô hữu xem ngày thứ sáu Chúa chịu chết trên thập giá như là một ngày đen tối và buồn sầu.  Một người vô tội đã bị kết án tử hình, bị tra tấn, đánh đập, bị treo và chết một cách tàn nhẫn.  Nhưng đối với chúng ta ngày nay thì ngày Thứ Sáu Tuần Thánh là một ngày thật tốt đẹp và hoàn toàn cao cả, vì ngày hôm nay Chúa hoàn tất công cuộc cứu độ cho nhân loại, và cũng là cao điểm của cuộc đời Chúa Giêsu.  Chúa chết đau thương và nhục nhã trên thập giá không phải vì bất công hay oan uổng nhưng  chính Ngài muốn như thế.  Ngài vâng theo thánh ý và kế hoạch của Chúa Cha vì vậy cái chết của Chúa có một mục đích.  Chúa muốn chịu khổ hình và hy sinh mạng sống để dâng lên như là một hy lễ, một cái giá để cứu chuộc tội lỗi cho nhân loại. Chúa muốn chết thay cho tất cả mọi người trong đó có mỗi một chúng ta.  Chúa biết tất cả chúng ta cần Ngài, nhưng chính Ngài lại là Người yêu thương chúng ta trước. Chúa đã cứu chuộc chúng ta trước khi chúng ta biết mình đã được diễm phúc ấy.

Có lẽ chẳng bao giờ chúng ta thấu hiểu được mầu nhiệm cao cả tại đồi Can vê, và cũng chẳng bao giờ chúng ta hiểu thấu được lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa.  Chúng ta là những người tội lỗi đã phản nghịch lại với Thiên Chúa và lẽ ra chúng ta phải chịu thương khó và chết, nhưng thực tế, Chúa Giêsu đã chết cho chúng ta được sống và sống tràn đầy.

Hôm nay chúng ta tưởng niệm cuộc tử nạn của Chúa, suy niệm đàng Thánh giá, bước đi theo những bước chân của Chúa tới đồi Can vê, và trong một giây phút nữa, chúng ta sẽ cử hành nghi lễ suy tôn Thánh giá Chúa, chúng ta hãy nhìn ngắm cây Thánh giá, hồi tâm và suy nghĩ tự hỏi: “Tại sao Chúa phải chết nhục nhã đau thương như vậy?”  “Vì ai mà Chúa phải bị căng thây và bị đóng đinh trên đó?”  “Bởi vì ai?” 

Suy niệm cuộc thương khó của Chúa Giê-su hôm nay, chúng ta thứ nhất hãy tỉnh thức và thương cho chính mình vì chúng ta không muốn lãnh nhận những hậu quả của tội lỗi chúng ta, bằng cách từ bỏ tội lỗi, từ bỏ những sự xấu xa của mình để sống trọn tình yêu và lòng thương xót của Chúa đối với chúng ta. Và thứ hai hãy sống lời trối trăn của Chúa: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã thương yêu các con”, và thực hành việc Chúa đã làm như lời Chúa nói: “Vậy Ta là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau.”  Chúng ta thực hành bằng cách có lòng bác ái, quảng đại, chia sẻ biết giúp đỡ, biết phục vụ và hy sinh sống cho tha nhân.

Lạy Chúa, vì yêu thương chúng con mà Chúa phải chết nhục nhã như vậy.  Vì tội lỗi chúng con mà Chúa phải chịu khổ hình đóng đinh trên thập giá.  Ôi! Tình yêu Chúa cao tuyệt vời, lòng thương xót của Chúa tuyệt đỉnh!  Chúa đã biến cây thập giá trở thành Thánh Giá để chuộc tội chúng con.  Cây Thánh giá là khí cụ diễm phúc mà Chúa đã dùng để chứng tỏ lòng yêu thương của Chúa cho chúng con. 

Lm. Chánh xứ


Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....