
Có
một câu truyện được kể lại rằng. Vào thời
Giáo hội sơ khai, có nghĩa là vào những thế kỷ đầu tiên sau Chúa Cứu Thế, và dưới
thời bạo chúa Nêrô bách hại đạo, thành phố Rôma lúc đó ngập tràn máu lửa, biết
bao Ki-tô hữu đã chết dưới tay ông vua điên loạn và tàn bạo này. Giáo hội non
trẻ do Chúa Giêsu thiết lập như sắp rã rời tan tác.
Phêrô
là người lãnh đạo và là trụ cột của Giáo hội, vì vậy các tín hữu tha thiết xin
Phêrô trốn khỏi Rôma để tiếp tục dẫn dắt đoàn chiên. Phê-rô, Người anh cả, một thoáng phân vân, chần
chừ. Quả thật đoàn chiên đang nao núng vì sợ thiếu vắng người dẫn dắt, lãnh đạo
làm sao có thể giữ vững niềm tin? Ngoài
ra Thầy đã chẳng khuyên khi người ta bắt bớ chúng con ở thành này, thì hãy trốn
sang thành khác sao?
Thế là Phêrô xách bị chống gậy đi trốn. Đụng Thầy Giê-su ở cổng thành, Phêrô hỏi: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu?” Chúa Giê-su trả lời: “Nếu con bỏ các Kitô hữu của Thầy thì Thầy sẽ quay lại để chịu đóng đinh cho họ một lần nữa.” Phêrô chợt nghĩ đến những lời Thầy đã dặn bảo trước nên hiểu ngay được lời nói của Thầy, vì thế quay trở lại Rôma để dẫn dắt, an ủi, khích lệ đoàn chiên, sau đó cũng đã chịu đóng đinh thập giá như Thầy.
Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su tuyên bố: “Ta là mục tử tốt lành. Mục tử tốt lành thí mạng sống vì đoàn chiên.” Chúa Giêsu ví mình như một mục tử tốt lành khác với người chăn thuê, vì Người đã dám hy sinh mạng sống cho đoàn chiên. Cái chết của Người trên thập giá không bất ngờ, cũng không đầu hàng bạo lực, nhưng là một cái chết tự hiến. Chúa Giêsu chết để nói nên lời yêu thương. Một tình yêu cao cả tột đỉnh, yêu cho đến cùng. Thánh Gioan cho chúng ta biết: "Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình" (Ga.15, 13). Chính tình yêu đã tạo nên mối dây gắn bó giữa chủ chiên và từng con chiên. Chiên nghe tiếng và đi theo đường của chủ chiên hướng dẫn như Chúa nói: "Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta" (Ga.10, 14-15). Đó là sự hiểu biết nhau sâu xa, sự trân quí giữa mục tử và đoàn chiên.
Có
một câu truyện như sau. Hai anh em nọ con của một bà mẹ goá, đã trưởng thành và
có địa vị trong xã hội. Cô em là bác sĩ
giàu có và người anh trai là một thương gia, có công việc kinh doanh rất phát đạt.
Họ nghĩ rằng người mẹ già yếu đối với họ
là một cản trở và gánh nặng. Tuy cả hai
giàu có nhưng sợ phải hao tốn vì trang trải thuốc men cho bà.
Ngày
kia, hai anh em cùng đến gặp tổng giám thị của một viện dưỡng lão “nursing home”,
và yêu cầu ông ta nhận mẹ mình vào trong trung tâm. Ông tổng giám thị chấp nhận
nhưng trước khi chia tay ông nói: “Tôi có câu chuyện muốn kể cho cô và cậu
nghe. Mấy năm trước đây tại thành phố này có một người đàn ông chết đi để lại
người vợ trẻ và hai đứa con thơ. Bà mẹ ấy nghèo cô đơn lắm. Khi đó tôi đã đề
nghị với bà bỏ hai đứa con nhỏ vào cô nhi viện hay cho làm con nuôi. Bà đã tỏ ra rất bất mãn với lời khuyên của
tôi, tỏ vẻ tức bực và nói: “Tôi có 2 tay, và khi nào tay tôi chưa mòn trơ xương
thì không đời nào tôi để con tôi vào cô nhi viện.” Hai anh em hỏi ông Tổng giám
thị: “Thế thì truyện này có dính líu gì đến chúng tôi đâu?” Ông tổng giám đốc
trả lời: “Vì người đàn bà đó là thân mẫu của cô và cậu đó!”
Chúng
ta nhận biết tình yêu dâng hiến đã gắn kết người chăn chiên và đàn chiên. Chúa
Giêsu đã tự ví mình là Chủ Chiên để làm nhiệm vụ chăn dắt, bảo vệ và đem lại sự
sống cho đàn chiên. Không những thế, Ngài lại còn sẵn lòng hy sinh để cứu thoát
và mang những con chiên lạc về. Thật là một tình yêu cao cả và vĩ đại. Chúa
cũng muốn chúng ta noi theo gương Ngài để chăm lo cho những con chiên là những
người chúng ta có nhiệm vụ như con cái, cháu chắt và bạn bè thân thuộc, những
người trong gia đình. Chúng ta chăm lo cho họ không chỉ về vật chất, nhưng quan
trọng hơn là chăm lo và làm gương sáng về đời sống đạo đức, tâm linh và đức
tin. Với trái tim yêu thương và lòng quảng đại hy sinh như Chúa Giêsu, chúng ta
sẽ thực hiện được điều đó.
Ngày
nay, Chúa Giêsu vẫn cần những vị mục tử tốt lành lo cho đoàn chiên trên thế giới.
Người rất cần các bạn trẻ hiến thân cho sứ mạng mục tử này. Người mời gọi chúng
ta hãy nhìn vào xã hội bằng trái tim yêu thương, để thấy những cơn đói Lời
Chúa, đói tình thương, đói ý nghĩa cuộc sống. Người kêu gọi chúng ta hãy tha
thiết xin Cha cho nhiều mục tử tận tụy và nhiệt tình, hy sinh phục vụ và có
lòng bác ái quảng đại, tốt lành và thánh đức. Những mục tử nhiệt tình phục vụ âm
thầm hy sinh chết từng ngày cho đoàn chiên.
Lý
do Giáo Hội lấy ngày Chúa nhật Chúa Chiên Lành làm ngày cầu nguyện cho ơn gọi
linh mục tu sĩ bởi vì như chúng ta biết ngày nay tại nhiều quốc gia trên
thế giới, đặc biệt là ở Âu châu và quốc gia Hoa kỳ này ơn gọi giảm dần đi. Chúng ta thấy được nhu cầu to lớn về nhân sự
của Giáo Hội trong sứ mệnh sống, làm chứng và loan báo Tin Mừng mà
Giáo Hội đã nhận được từ chính Chúa Giê-su. Đành rằng ngày nay trách nhiệm sống, làm chứng
và loan báo Tin Mừng không chỉ của riêng các linh mục, tu sĩ mà của mọi Ki-tô hữu.
Nhưng các linh mục, tu sĩ vẫn là lực lượng quan trọng nhất, là lực lượng nòng cốt
và dẫn đầu trong lãnh vực này. Thế nhưng ơn gọi linh mục, tu sĩ càng ngày
càng giảm sút trong các Giáo hội địa phương, thậm chí giảm trầm trọng trong một
số Giáo hội.
Vì
thế cho nên chúng ta không chỉ cầu xin Thiên Chúa ban cho Giáo hội, nhất là
Giáo hội Hoa kỳ này, nhiều ơn gọi linh mục, tu sĩ hy sinh nhiệt thành, mà chúng
ta còn phải nài xin Thiên Chúa giúp cha mẹ ý thức gia đình là tiền chủng viện, biết
làm gương và dạy con cái về giá trị và ý nghĩa ơn gọi linh mục và tu sĩ. Rồi cha mẹ phải biết hy sinh thời giờ và công
việc để tạo cơ hội thuận lợi cho con cái đến nhà thờ, tham dự Thánh lễ sốt sắng
để các em gần gũi hơn với những việc thờ phượng, gia tăng sự hiểu biết, niềm
tin và lòng yêu mến Chúa.
Xin
Chúa nhận lời cầu xin của chúng ta và xin Chúa giúp chúng ta nhiệt thành cộng
tác với Chúa trong sứ vụ ơn gọi vì lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít.
Lm. Chánh xứ

Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét