Thứ Bảy, 13 tháng 10, 2018

Chúa Nhật 28 Thường Niên. Năm B_2018.

 
Có một người giàu có thường đến xưng tội với thánh Phi-líp-phê Nê-ri, nhưng ông vẫn cảm thấy mình không đạt được sự tiến bộ nào trên đường thiêng liêng, và nhất là chưa tìm được sự bình an thật sự trong đời sống. Tâm hồn của ông còn chất chứa nhiều khắc khoải, ưu tư.  Từ đó ông cảm thấy chán nản đến thất vọng.  Cuối cùng ông không đến xưng tội với thánh nhân nữa.

Thấy ông đã lâu không đến xưng tội, thánh nhân đến nhà để gặp ông.  Sau một hồi trò chuyện, ngài nhìn lên cây Thánh giá treo trên tường, rồi nói với người đàn ông giàu có: “Ông hãy đứng lên và đưa tay lên xem có chạm tới Thánh giá không.”  Người giàu có đứng dậy giơ cánh tay lên cố với nhưng không thể nào chạm tới Chúa Giêsu trên Thánh giá.  Bấy giờ thánh Nê-ri khom lưng dùng hết sức đẩy cái hòm tiền của người giàu đến bên cạnh ông và bảo ông hãy đứng lên trên cái hòm tiền để với lên cây Thánh giá.  Ông làm theo ý thánh nhân và sờ được chân Chúa Giêsu trên Thánh giá.  Sau đó ngài nói với ông: “Để có thể chạm và nắm lấy được Chúa Giêsu, tiến bộ trên đường thiêng liêng và có sự bình an thật thì phải can đảm đứng trên tiền bạc của cải.”
 

Trong bài Tin Mừng hôm nay, một thanh niên giàu có đến hỏi Chúa Giêsu: làm sao vừa có đời sống giàu sang sung sướng ở đời này và còn được hạnh phúc trong cuộc sống đời sau. Sở dĩ anh hỏi Chúa Giêsu như vậy là vì thứ nhất anh cũng muốn làm môn đệ của Chúa, và thứ hai có lẽ anh thấy trong đời sống của các môn đệ theo Chúa có một sự siêu thoát, đơn giản, an bình và vui mừng anh đang mong ước. Chúa nhìn anh một cách trìu mến vì thấy anh là một thanh niên mà đã biết nghĩ đến và khao khát đời sống trọn lành, và biết lo lắng cho cuộc đời đời sau. Sau đó Chúa bảo anh hãy về bán hết của cải, đem chia sẻ cho người nghèo rồi đến theo Chúa.  Đối với Chúa, đó là điều kiện cho riêng anh để được trọn lành và làm môn đệ của Ngài.  Nhưng anh không chấp nhận điều kiện này vì anh có nhiều tiền bạc, của cải, cho nên anh buồn bã quay lưng bỏ đi.  Rõ ràng giữa Chúa và của cải, giữa đời sống trọn lành và tiền bạc, anh đã chọn của cải và tiền bạc.
 

Qua trường hợp của người thanh niên này, Chúa Giêsu nghĩ tới sự khó khăn, thử thách, cám dỗ và lôi cuốn của tiền bạc, nên Chúa nói với các môn đệ: “Những người giàu có vào nước Thiên Chúa khó biết bao!” Sau đó, Chúa nhấn mạnh: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có được vào Nước Thiên Chúa.”

Câu hỏi được đặt ra là: “Tại sao giàu có, nhiều của cải, tiền bạc lại khó vào nước trời?” 

Trước hết, chúng ta phải công nhận rằng tiền bạc cần thiết cho đời sống con người.  Tiền bạc sẽ đem lại cho con người nhiều tiện nghi và những nhu cầu cần thiết cho cuộc sống.  Có thể nói rằng chỉ có người ngây thơ mới cho rằng tiền bạc không cần thiết. Thực tế, tiền bạc rất quan trọng và cần thiết cho mọi người mọi nơi, là phương tiện thiết yếu cho đời sống cá nhân, gia đình và cho cả việc thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Giáo hội, kể cả nhà thờ, giáo xứ.  Chúng ta thấy nhiều giáo xứ tại Hoa kỳ phải đóng cửa hay sát nhập vào giáo xứ khác vì không có đủ tiền trả cho những chi phí cần thiết.  Nếu không nhờ vào sự hy sinh quảng đại giúp đỡ tiền bạc của giáo dân, của ông bà anh chị em, thì làm sao giáo xứ có thể gìn giữ, bảo trì, phát triển và chu toàn những sứ vụ Lời Chúa đòi hỏi. Tiền bạc cần thiết như thế nên chắc chắn Chúa không bao giờ lên án tiền bạc hay người có tiền bạc, hay người giàu có.  Sự túng thiếu, bần cùng là một sự dữ vì có thể đưa đến tội ác, đưa đến tội lỗi và Chúa không muốn chúng ta mắc phạm. Tuy nhiên, tiền bạc vẫn luôn là con dao hai lưỡi: được sử dụng như một phương tiện tốt sẽ giúp chúng ta sống đúng với phẩm giá của mình hơn, ích lợi cho chính bản thân và tha nhân.  Trái lại, khi chúng ta lao đầu chạy theo tiền bạc như cứu cánh, mà quên đi những giá trị khác trong cuộc sống, nhất là những giá trị thiêng liêng, thì nó sẽ biến chúng ta thành nô lệ, mất đi trí phán đoán, và tổn thương đến đời sống đức tin và gia đình. Sự tham lam, ham mê tiền bạc dễ làm cho người ta trở nên kêu ngạo, ích kỷ, thu hẹp, thật khó vào Nước Trời.
 

Nói rõ hơn, tiền bạc tự nó tốt và giúp ích cho con người. Nó chỉ xấu và có hại khi tham lam, gian dối, hay đem sử dụng vào những mục tiêu xấu, hay biến con người trở nên nô lệ, ích kỷ và tự cao.  Vì tiền bạc, người ta có thể chối bỏ niềm tin, trở nên điếc với cả tiếng nói của lương tâm. Vì tiền bạc, người ta có thể làm những điều gian dối và tội lỗi. Người nào tham lam, ham mê tiền bạc đến quên cả Chúa và Lời Chúa, thờ ơ với đức tin và quên cả anh chị em, thì đó chính là thứ lạc đà đứng trước lỗ kim, khó vào Nước Trời.  Đó là nguy cơ, cạm bẫy mà bất cứ ai cũng có thể rơi vào.
 

Vì thế, qua câu truyện người thanh niên giàu có trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy dùng tiền bạc và cư xử cách nào để đem lại ích lợi cho cuộc sống hôm nay, và đồng thời đầu tư cho cuộc sống vĩnh cữu mai sau nữa.  Một phương cách tốt để sống lời Chúa dạy là hãy thành thật khiêm nhường nhận biết tất cả những gì chúng ta đang có là của Chúa ban cho, và sống đời sống cảm tạ tri ân, có lòng hy sinh và quảng đại qua những việc tốt lành và bác ái.  Chúng ta xác tín rằng nếu chúng ta chia sẻ, quảng đại cho một, thì Chúa sẽ trả lại cho chúng ta gấp nhiều lần hơn đời này và đời sau. Có người nói rằng đến nước khác, việc đầu tiên mà du khách phải làm là đổi tiền của mình thành tiền đang lưu hành tại nước đó. Tiền của chúng ta trên trái đất chẳng có giá trị gì trên Nước Trời, nếu nó không đổi thành việc hy sinh, tốt lành và bác ái.  Ðó là ý nghĩa Lời Chúa nói với chàng thanh niên giầu có: cho đi gia sản của anh để mua Nước Trời.  Xin Chúa, qua lời cầu bầu của Đức Maria trong Tháng Mân Côi này, ban cho chúng ta sự khôn ngoan, sáng suốt để nhận ra con đường đưa tới hạnh phúc, bình an thật đời này và đời sau.  
Lm. Chánh xứ
 



Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....