Thứ Bảy, 2 tháng 2, 2019

Chúa Nhật 4 Thường niên. Năm C_2019

 
Chúng ta thấy trong những ngày gần Tết nhiều người Việt sống khắp nơi trên thế giới trở về quê hương mừng Tết như thường nói: “Không nơi đâu đẹp bằng quê hương”, hay “Ta về ta tắp ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn.”  Khi đề cập tới quê hương người ta ngụ ý rằng: bất cứ ai cũng yêu mến quê hương mình, yêu quí nơi đã được sinh ra và lớn lên.
Đây là nhận xét chung về tình cảm cá nhân mỗi người dành cho quê hương đất nước, đặc biệt nơi sinh trưởng. Còn về phương diện tình cảm cá nhân dành cho những người đồng hương hay cùng một quốc gia thì khác.  Có người này và có người khác; có những hoàn cảnh này hay hoàn cảnh khác. Chúng ta thấy điều này rõ ràng ngay tại những cộng đoàn Công giáo người Việt ở quốc gia Hoa kỳ này.  Nhiều người nhận ra những giá trị tinh thần và tha thiết với những gì đã thấm vào dòng máu, hòa lẫn chung vào thân thể của mình, thì họ có thể vượt qua những giới hạn cá nhân và hoàn cảnh, tụ họp vào các giáo xứ để đùm bọc và nâng đỡ nhau sống đức tin theo tinh thần người Việt.  Và có những người Việt khác vì lý do cá nhân này, lý do nọ từ chối không muốn gia nhập giáo xứ, mà gia nhập và sinh hoạt trong những giáo xứ người Hoa kỳ hay người Mễ.  Có thể vì quan niệm cố hữu của người Việt chúng ta: “Bụt nhà không thiêng.”  Và điều này phản ảnh một phần nào câu nói bất hủ của Chúa Giê-su trong bài Tin mừng: “Không một tiên tri nào được đón tiếp tại quê hương mình.”  Chúa Giê-su đã tuyên bố chân lý bất hủ này về chính bản thân Người, tại quê hương Na-da-rét của Người.

Bài Tin mừng cho chúng ta biết sau hơn một năm giảng dạy tại nhiều nơi, Chúa trở về quê hương Na-da-rét.  Hôm ấy đúng vào ngày Sa-bát, Chúa đến hội đường và người ta mời ngài giảng dạy.  Theo thông lệ, trước hết Người cũng đọc Sách Thánh rồi giảng dạy: “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe.”  Tin mừng còn ghi lại mấy câu tuyên bố của Chúa Giê-su, nhưng câu nói đó cũng đủ để cho mọi người biết Người muốn giảng dạy điều gì.

Thật vậy, bài Tin mừng đưa đến nhiều câu thắc mắc thí dụ như: “Tại sao và lý do gì đã làm cuộc thăm viếng và giảng dạy của Chúa Giê-su bắt đầu rất tốt đẹp sau đó trở thành thù ghét?”  Ban đầu: “Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người.” Nhưng sau đó là đổ vỡ hoàn toàn, trở nên tẩy chay, thù ghét và muốn thủ tiêu: “Mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy lôi Người ra khỏi thành. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực.”  Một câu thắc mắc khác: “Làm sao Chúa có thể thoát ra khỏi được đám đông thù ghét mà không bị thương tích hay hề hấn gì?”  Và câu khác: “Đây có phải là sự tóm tắt những sự kiện đã xảy ra nhiều lần, trong những cuộc thăm viếng của Chúa Giê-su trước đây, báo trước những gì sẽ xảy ra đàng trước trong sứ vụ của Người?” 

Đúng vậy, với lời tuyên bố: “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe”, Chúa Giê-su khẳng định và muốn cho họ biết Người là ai, là người được Thiên Chúa sai đến, là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Thế mà mọi người đang trông đợi.  Nghe Chúa nói vậy, những người hiện diện hết sức bực tức, nổi giận kéo Người ra khỏi hội đường, đưa Người lên núi để xô Người xuống vực thẳm cho chết đi, nhưng giờ Người chưa đến, nên họ không làm gì được Người.  Dân làng Na-da-rét không nhận Chúa, từ chối và xua đuổi Người, tuy họ đã nghe lời Người giảng dạy và những phép lạ Người đã làm, vì bản thân “con bác thợ mộc” của Người, vì sứ mệnh, lời giảng dạy và mục đích của Người không phù hợp, không thuận với quan niệm và ý muốn của họ.

Thật ra Thánh Lu-ca không chú ý đến, và cũng không trả lời trực tiếp những thắc mắc trên của chúng ta, nhưng cho chúng ta biết sự kiện: dân chúng Na-da-rét không coi Chúa Giê-su là một người đặc biệt, chỉ là một con người tầm thường và còn tầm thường hơn họ.  Có lẽ Thánh Lu-ca muốn cảnh báo cho chúng ta biết và ám chỉ sứ vụ rao giảng và chữa lành của Chúa Giê-su bắt đầu rất nổi tiếng trong quần chúng, nhưng dần dần dân chúng hiểu được ý nghĩa lời giảng dạy họ ăn năn sám hối tội lỗi và hành động của Người chứng tỏ Người là Thiên Chúa cho nên họ từ bực tức, ganh ghét, thù hằn đến muốn giết Người.  Hay Thánh Lu-ca muốn dạy cho chúng ta biết chúng ta không thể uốn nắn, hay muốn Chúa Giê-su phải giảng dạy theo ý chúng ta muốn, thích, hay hành động theo cách thức của chúng ta làm, hay sống theo đường lối của chúng ta, mà chúng ta phải xác tín, yêu mến Chúa, sống theo lời giảng dạy, giáo huấn của Người thì mới được an bình, hạnh phúc hôm nay và hưởng ơn cứu độ và hạnh phúc Nước Trời ngày sau.

Qua thái độ của những người Na-da-rét đối với Chúa trong bài Tin mừng, chúng ta có thể nhận biết họ khinh thường và không có lòng tin vào Người.  Và qua sự kiện đó cho chúng ta một bài học hữu ích, đó là dựa vào thành kiến để đánh giá người khác.   Vì thành kiến, vì tự ái, vì ganh ghét, nhiều khi chúng ta phán đoán, đánh giá người khác một cách hấp tấp, vội vàng hay thiếu trung thực, nhiều khi còn chỉ trích, nói xấu và vu khống, đưa đến tranh chấp, chia rẽ và thù ghét.  Chúng ta hãy nhớ người xét đoán hồ đồ, không trung thực hay theo thành kiến không sống được với ai và cũng không ai dám chơi, bạn bè thân thiết với họ.  Họ mất niềm tin nơi mọi người, mọi người lánh xa họ.  Vì vậy chúng ta cố gắng sữa chữa những tật xấu để đời sống và những mối liên hệ với Chúa và với người khác tốt đẹp hơn.

Một điểm quan trọng nữa mà chúng ta phải chú ý là bác ái hay tình yêu thương trong bài đọc 2 hôm nay nhấn mạnh thật hay và đầy ý nghĩa mà chúng ta thường xử dụng hay nghe đọc trong Thánh lễ Hôn phối. Thật vậy, đó là chủ đích và ước vọng của mỗi gia đình vợ chồng.  Nhưng những điều này không phải tự nhiên mà đến.  Muốn đạt được tình yêu và hạnh phúc này, gia đình vợ chồng phải cố gắng, hy sinh và quảng đại.  

Thánh Phao-lô nhắc nhở chúng ta biết tình yêu thương không phải là ích kỷ, kiêu hãnh, giận dữ hay có những ý nghĩ xấu. Tình yêu thương là kiên tâm và nhân hậu, tha thứ, tin tưởng và trông cậy.  Nếu nói tiên tri, thông biết mọi mầu nhiệm và khôn ngoan, có đầy lòng tin chuyển dời được núi non, phục vụ làm những việc to lớn, nếu phân phát hết của cải để nuôi kẻ nghèo khó, mà không có tình yêu thương, bác ái thì cuộc sống Ki-tô hữu sẽ không có gì, vô nghĩa.  Vì vậy, chúng ta phải đặt trọng tâm cuộc sống vào tình yêu thương, bác ái và quảng đại.

Xin kính chúc tất cả ông bà anh chị em một Mùa Xuân, một Năm Mới Kỷ Hợi an bình, sức khỏe tốt và tràn đầy ơn lành của Chúa.

  Lm. Chánh xứ



Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....