Như
chúng ta biết Thiên Chúa đối nghịch với sự dữ và tội lỗi, nhưng lại rất nhân từ
và thương xót những người có tội. Điều này được diễn tả và đề cập đến rất nhiều
trong Tin mừng thánh Lu-ca. Qua những dụ ngôn như con chiên lạc, đồng xu đánh mất,
người phụ nữ ngoại tình, kẻ trộm lành, và nhất là người con hoang đàng trong
bài Tin mừng mà
chúng ta vừa nghe hôm nay, chúng ta có thể nhận biết rằng dù
con người chúng ta có tội lỗi đến đâu, cũng vẫn còn có cơ hội để ăn năn hối cải
trở về với Chúa, là Cha Nhân Từ, và làm lại cuộc đời. Sự hư mất chỉ do thiếu
thiện chí, thất vọng, cứng lòng hay từ chối ơn Chúa mà thôi.
Bài
Tin Mừng hôm nay kể cho chúng ta nghe câu truyện dụ ngôn đứa con hoang đàng,
nhưng chính xác hơn, là dụ ngôn Người Cha Nhân Từ. Dụ ngôn này rất quen thuộc,
chúng ta cũng đã nghe nhiều lần và có lẽ cũng được nghe rất nhiều bài giảng về
dụ ngôn này. Vì thế tôi muốn kể cho ông bà anh chị em nghe câu truyện tương tự
về một người con trai khác. Người thanh niên này sinh ra trong một gia đình
Công giáo, nhưng anh thú nhận rằng anh đã không sống như một người Công giáo tốt.
Cha anh là một công chức lớn trong chính quyền, cho nên anh thừa hưởng không những
tiền bạc mà còn quyền lực của một gia đình giàu có và thế lực. Lúc được 16 tuổi
anh tự cho mình là một người được gọi là “có một cái óc trống rỗng”, và tự hào
là một người được coi như là: “quay lưng lại với Chúa và không giữ giới răn của
Ngài.”
Sau
đó anh bị bắt cóc và bán đi như một nhân công nô lệ, đi lao động khổ cực trong
một nông trại ở một quốc gia xa xôi. Giống như người con hoang đàng, anh cô đơn
không có bạn bè và đói khổ vì thiếu thức ăn, thức uống và không nơi trú ngụ. Lúc
đó, anh hồi tâm và cảm thấy hối hận. Anh đã học được một bài học quan trọng cho
cuộc đời qua sự vâng phục và những sự đói khổ trong cuộc sống. Anh đã tâm sự rằng:
“God showed me how to have faith in him forever, as one who is never to be
doubted.” Tôi xin được dịch ra như sau:
“Chúa đã chỉ cho tôi biết thế nào để có niềm tin vào Ngài mãi mãi, như là một
người không bao giờ bị nghi ngờ.”
Sau
6 năm trời lao động khổ nhục trong nông trại, một ngày kia anh nghe chính Chúa nói,
như nói vào tai anh rằng: Ngài sẽ giải thoát anh, và sẽ cho anh biết lúc và khi
nào, và sẽ chỉ đường bước cho anh trốn thoát. Như một phép lạ, Chúa đã chỉ đường,
che chở và hướng dẫn anh trốn thoát và tìm đường về tới nhà an toàn. Như người
con hoang đàng, anh trở về nhà với một con người hoàn toàn đổi mới. Tuy cha mẹ
ngăn cản và muốn anh ở nhà, nhưng anh muốn phục vụ Chúa và sau đó trở thành một
linh mục. Hơn nữa vì yêu mến tha nhân, người thanh niên, lúc đó là một linh mục,
muốn trở lại phục vụ nơi những người đã bắt cóc và bắt anh lao động cực nhọc để
chỉ dạy và hướng dẫn họ về Chúa, và đã toại nguyện. Sau khi vượt qua những khó
khăn và trở ngại, cùng với sự từ chối của chính quyền, và một sự phải bội của một
người bạn đã tiết lộ thân thế và đời sống xã hội quá khứ, người thanh niên này
đã đến với, và phục vụ những người trước đây đã bắt anh lao động khổ cực, với
chức vụ là một vị Giám mục. Nhưng khi đến nơi, vị Giám mục này đã không được
đón tiếp với những cánh tay mở rộng, nhưng, tôi xin được đọc những dòng chữ
ngài đã viết, “Daily I expect either murder, or robbery, or enslavement.” Tôi
xin được tạm dịch: “Hằng ngày, tôi đợi chờ sự bị giết hay bị cướp bóc hay bị
hành hạ.” Và ngài đã viết trong một nơi
khác như sau: “Họ đã bao vây và bắt tôi cùng với những người đồng hành với tôi.
Và trong ngày đó, họ đã sẵn sàng giết tôi nhưng ngày giờ của tôi chưa đến. Những
gì họ tìm thấy với chúng tôi mang theo, họ đã cướp và tịch thu, còn tôi họ đã
xích tôi lại.”
Vị
Giám mục này không nao núng và sợ hãi cho dù nếu bị giết, vì ngài nghĩ rằng đó
là một hành động cao quí nhất của tình yêu của ngài với Chúa, được tử vì đạo. Nhưng
Chúa đã có đường lối của Chúa, và Chúa đã không muốn ngài trở thành một vị tử đạo.
Sau hơn 30 năm dài phục vụ Chúa và những người đã bắt ngài làm nô lệ, công việc
tông đồ của ngài đã được Chúa chúc phúc, cũng như gặt hái được nhiều hoa trái tốt
cho Chúa. Ngài đã phong chức cho nhiều Giám mục và linh mục, thiết lập nhiều tu
viện, chủng viện và trường học. Và cũng trong
những năm đó, ngài đã chứng kiến hàng ngàn người trở lại, nếu không nói là tất
cả quốc gia Ái-nhĩ-lan.
Có
lẽ có người có thể đoán ra, tôi đang kể lại cuộc đời của thánh nào, đó là thánh
Patrick, vị thánh bổn mạng của quốc gia Ái-nhĩ-lan, mừng kính Chúa nhật, ngày
17 tháng Ba vừa qua. Công việc tông đồ của ngài đã thành công quá tốt đẹp, vì
chỉ trong vòng mấy chục năm, quốc gia Ái-nhĩ-lan đã gởi đi nhiều nhà truyền
giáo để hồi sinh đức tin của Châu Âu lúc đó đang trong thời suy thoái. Và những
nhà truyền giáo Ái-nhĩ-lan cũng đã có những ảnh hưởng lớn lao đến Giáo hội Công
giáo Hoa kỳ này.
Thật
vậy, qua dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu trong bài Tin mừng hôm nay, chúng ta khám
phá ra lòng nhân từ và thương xót của Chúa đối với chúng ta là những con người
yếu đuối và tội lỗi. Cho dù chúng ta có
tội lỗi đến đâu, như người con hoang đàng, hay người phụ nữ ngoại tình, hay
thánh Au-gút-ti-nô hay thánh Patrick, đều có cơ may ăn năn hối cải để làm lại
cuộc đời, trở thành khí cụ, sứ giả tình yêu và ơn sủng của Chúa cho mọi người. Thiên Chúa không bao giờ thất vọng về chúng
ta cho dù chúng ta như thế nào, vì vậy, chúng ta cũng không bao giờ được thất vọng,
trái lại, trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta cũng phải tín thác vào tình yêu
thương tha thứ của Chúa. Nhưng muốn nhận được lòng thương xót và tình yêu tha
thứ của Chúa, một điều quan trọng và cần thiết là chúng ta phải biết hồi tâm, tỉnh
ngộ nhận ra những yếu đuối, tội lỗi, ăn năn thống hối, và can đảm quay trở về với
Chúa. Xin Chúa ban cho chúng ta một niềm xác tín vào Thiên Chúa là Cha Nhân Từ,
thương giúp chúng ta trở thành những người con biết sống lời Chúa dạy, biết hy
sinh, quảng đại và hiệp nhất trong gia đình của Chúa, và trở thành sứ giả tình
yêu và lòng thương xót của Ngài.
Lm. Chánh xứ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét