Chủ Nhật, 9 tháng 12, 2012

Tìm hiểu Sách GLHTCG – Bài 22. Đức Giêsu Kitô

Chúa Giêsu là tâm điểm đức tin của chúng ta, bởi lẽ “dưới bầu trời này, không có Danh nào khác”, ngoài Danh Giêsu, “được ban cho loài người để nhờ đó chúng ta được cứu độ” (Cv 4,12). Vì thế, Đức Kitô là trung tâm của giáo lý. Mục đích của giáo lý là đưa con người đến sự hiệp thông với Đức Giêsu Kitô. Đức Chân phước giáo hoàng Gioan Phaolô II nói như thế (GLHTCG số 426).

Nếu ai đó hỏi rằng điều gì làm nên một Kitô hữu, thì câu trả lời là: đó là người tin rằng Đức Giêsu Nadarét là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống. Niềm tin đó là đá nền trên đó Hội Thánh được xây dựng (số 424). Tin vào Chúa Giêsu Kitô có nghĩa là yêu mến Người hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực. Yêu mến Người như chúng ta có thể yêu mến Thiên Chúa (Đnl 6,4-5). Điều độc đáo và đặc biệt của niềm tin Kitô giáo là tin rằng Đức Giêsu, một con người được sinh ra dưới thời hoàng đế Cêsarê Augustô và chết trên thập giá dưới thời hoàng đế Tibêriô, người ấy chính là Thiên Chúa, là Con hằng hữu của Thiên Chúa, là Thiên Chúa thật và là người thật. Đó là mầu nhiệm khôn dò của đức tin Kitô giáo, “Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa” (Mc 1,11).
Chỉ trong ánh sáng này chúng ta mới hiểu được tại sao tin vào Đức Kitô cũng có nghĩa là bước theo Người, và bước theo Chúa là đòi hỏi quan trọng hơn mọi cam kết khác trong đời. Làm sao một con người thuần túy mà có thể nói: “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy thì không xứng đáng với Thầy; ai yêu con trai con gái hơn Thầy thì không xứng đáng với Thầy” (Mt 10,37)? Đòi hỏi ấy chỉ có thể đến từ Đấng là chính Thiên Chúa. Làm sao một con người mà có thể nói: “Tất cả những ai nhìn nhận Thầy trước mặt người đời thì Con Người cũng sẽ nhìn nhận họ trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa” (Lc 12,8)? Điều đó lại chẳng có nghĩa rằng ơn cứu độ vĩnh cửu tùy thuộc vào thái độ của người ta đối với Chúa Giêsu sao?
Nếu chỉ nơi Chúa Giêsu mới có ơn cứu độ, nếu chỉ có Người mới là “Đường, Sự Thật và Sự Sống” thì liệu có ai có thể được cứu độ mà không cần đến Chúa Giêsu? Nếu như thế, biết bao người chưa hề nghe đến Danh Chúa Giêsu, không có cơ hội để nhận biết và yêu mến Người thì sao (số 846-847)? Chính Chúa Giêsu đã trả lời cho câu hỏi này: đến giờ phán xét, Con Người sẽ tỏ cho thấy tất cả những hành động yêu thương chân chính dành cho tha nhân (Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta đau yếu, các ngươi đã viếng thăm…), tất cả những hành động yêu thương ấy đều là cho chính Chúa: “Điều gì các ngươi đã làm cho người anh em bé mọn nhất, là làm cho chính Ta” (Mt 25; GLHTCG số 1038).
Đã thế thì tại sao lại còn cần loan báo Đức Kitô nữa? Thánh Phaolô đưa ra lý do rất rõ ràng: “Tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi” (2Cr 5,14). Bất cứ ai được tình yêu này chiếm hữu, bất cứ ai kinh nghiệm về sự hiệp thông với cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu và quyền năng phục sinh của Người, thì người ấy sẽ cảm thấy nỗi ước mong loan báo về Người, rao giảng Tin Mừng của Người, và dẫn mọi người đến niềm tin vào Chúa Giêsu (số 429).
 
ĐHY Christoph Schönborn
 

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....