Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2013

Chúa Nhật 20 Thường Niên Năm C_2013

Ông bà anh chị em thân mến.  Có một câu chuyện về một thanh niên sinh năm 1181 tại thành phố Assisi, nước Ý, con của một gia đình thương gia giàu có.  Người thanh niên này lớn lên trong sự giàu sang của gia đình và tận hưởng những thú vui vật chất. Năm 21 tuổi, anh gia nhập quân đội và trong một cuộc giao tranh bị bắt làm tù binh.  Sau khi được thả về, anh trở lại con đường sống trong lạc thú.  Lúc được 25 tuổi, anh dự một cuộc hành hương Rôma, và khi trở về đã dâng hiến trọn vẹn cuộc sống trong cảnh nghèo khó để săn sóc những người đau yếu, bệnh hoạn.
Cuộc sống mới này đã làm cho người cha giận dữ và từ bỏ anh, cho anh là người con cuồng điên. Để bày tỏ lòng cương quyết từ bỏ sự giàu sang, của cải vật chất, cũng như gia tài mà anh sẽ được thừa hưởng để theo Chúa, sống khó nghèo và nhất là để hiến thân phục vụ mang tình yêu Chúa đến với những người nghèo khổ, trước đám đông, anh đã lột bỏ quần áo trả lại cho cha và dõng dạc tuyên bố: “Của cha, con xin trả lại cho cha, từ nay, con chỉ có một cha, là Cha trên trời.”
Ông bà anh chị em thân mến.  Người thanh niên đó chính là thánh Phanxicô thành Assisi, và câu chuyện của thánh Phan-xi-cô diễn tả trọn vẹn ý nghĩa câu nói của Chúa Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay: “Thầy bảo các con, Thầy đến để đem sự chia rẽ.” Mới nghe, câu nói này xem ra nghịch lý, khó chấp nhận. Nhưng nếu phân tích sâu xa thì lại là một Chân Lý tuyệt vời cho những người tin theo Chúa, vì khi người Kitô hữu sống đời sống ngay thẳng và thành thật, hay chân thành sống, thực hành lời Chúa, hay khi can đảm làm chứng nhân cho Chúa, thì cũng bị những sự ghen ghét, cười chê, chống đối và thù hằn, thậm chí bị bách hại như những Ki-tô hữu ở Trung đông hiện nay. Trong tuần vừa qua, những người Hồi giáo quá khích ở Ai cập đã đốt cháy hơn 30 nhà thờ và hàng trăm người Ki-tô giáo đã bị thương hay thiệt mạng  
Như chúng ta biết, chính vì những sự giáo huấn, những lời dạy dỗ thẳng thẳn và cương quyết, nên Chúa đã bị người ta thù oán và đóng đinh trên thập giá.  Nếu Chúa Giêsu nịnh hót đám đông, và chỉ nói những điều “dễ nghe, xuôi tai” thì có lẽ Người đã được quần chúng ưa thích. Nhưng Người đã chọn con đường nói lên sự thật, kêu gọi mọi người cải thiện đời sống để được hưởng ơn cứu độ. Người “đã đem lửa xuống thế gian và mong muốn lửa ấy cháy lên.” Đây chính là sứ vụ của Chúa, cho nên Người đã không lui bước bỏ cuộc, mà sẵn sàng nhận chịu những đau khổ và cái chết. 
Chúng ta hãy tìm hiểu một vài ý nghĩa “lửa” mà Chúa đem đến thế gian là gì?  Trước hết, lửa là biểu tượng của thánh thiêng, chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa. Trong Kinh thánh Cựu Ước, Thiên Chúa tỏ mình ra cho ông Môsê giữa bụi gai cháy rực cháy (Xh 3,2).  Lửa là hình ảnh Thiên Chúa hướng dẫn dân Do thái trong sa mạc đầy sự nguy hiểm và khó khăn (Xh 13,21).  Trong Tân Ước, chúng ta nhận biết lửa là hình ảnh của Chúa Thánh Thần khi Người ngự xuống trên các Tông đồ dưới dạng hình lưỡi lửa vào ngày Lễ Ngũ Tuần (Cv 3,2), ban cho các ngài sự can đảm và sức mạnh của Thánh Linh, và biến đổi các Tông đồ trở nên con người hoàn toàn mới, can đảm nhận chịu những sự khó khăn, ra đi rao giảng Tin Mừng (Cv 1,8), làm chứng, hy sinh vì Tin Mừng và vì tình yêu của Chúa Giê-su Kitô Phục Sinh.  Thứ hai, lửa còn tượng trưng cho sự thanh luyện, thiêu huỷ và phán xét, như ngọn lửa từ trời xuống thiêu huỷ thành Sôđôma và Gômôra (St 19,24), như mưa lửa từ trời xuống trở thành một phần của sự phán xét trong ngày tận cùng của thế giới (Lc 17,29); hay như lửa soi sáng trong Ngày của Thiên Chúa (1Cr 3,13; Mt 3,11-12).
Thứ Ba, lửa còn là biểu tượng của thần khí đã ngự trên Chúa Giêsu khi Người chịu phép rửa và khi được xức dầu mang sứ mệnh đi rao giảng Tin mừng và ơn cứu rỗi cho mọi người.  Và cuối cùng, lửa cũng có nghĩa là tình yêu của Chúa với chúng ta, và lửa ấy cháy sáng lên trong trong trái tim của Chúa, để Người can đảm vác thập giá, chịu những đau thương và chết trên thập giá cho chúng ta.  
Ông bà anh chị em thân mến.  Mỗi người chúng ta đã lãnh nhận thần khí hay ngọn lửa Chúa Thánh Thần trong ngày chúng ta chịu bí tích Thánh tẩy. Chúng ta đã chọn, tin và theo con đường chân lý của Chúa. Chúa là đường, là sự thật, và là sự sống của chúng ta.   Sự chọn lựa này là nền tảng cho cuộc sống, lời nói và hành động của người Ki-tô hữu.  Chúng ta mang ngọn lửa của Chúa Giê-su trong cuộc sống.  Và vì thế, chúng ta sẽ phải đối diện với những sự đối nghịch, đó là những sự ác, sự xấu và tội lỗi từ bên ngoài xã hội, làm cho chúng ta đau khổ và bị ghanh ghét.  Ngoài ra, cũng có một nội cuộc chiến ngay trong con người chúng ta, hay một sự tranh chấp giữa tốt và xấu, giữa lợi lộc và thiệt thòi, giữa hy sinh và ích kỷ, giữa bác ái, quảng đại và hẹp hòi.
Chúa Giêsu đến đem ánh lửa chân lý, lửa hy sinh yêu mến, lửa thanh tẩy xuống thế gian để mong nó cháy lên để tôi luyện và biến đổi con người nên tinh sạch tốt đẹp.  Chúa Giêsu cũng muốn ngọn lửa tình yêu của Người luôn ngự trị và cháy sáng trong tâm hồn mọi người Kitô hữu chúng ta. Chúng ta được Chúa mời gọi can đảm vui mừng đem lửa tình yêu Chúa thắp sáng trong tâm hồn mọi người, bằng đời sống tốt lành, ngay thẳng, bằng việc bác ái và quảng đại, dù chúng ta phải hy sinh, hay bị từ bỏ, tẩy chay, khinh chê hay đau khổ.  
 Lm. Chánh xứ


Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....