Ông
bà anh chị em thân mến. Từ lễ Phục Sinh
đến nay, chúng ta đã nghe những bài Tin Mừng kể lại những lần Chúa Giêsu hiện
ra với các môn đệ của Người, cũng như với nhiều người khác, để minh chứng cho
họ biết là Người đã sống lại từ cõi chết như lời Người đã hứa, củng cố niềm tin
và sai họ đi rao giảng Tin mừng, làm chứng cho Chúa.
Trong
bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su lại một lần nữa, hiện ra với 2 môn đệ trên
con đường về Emmaus. Dọc đường Chúa đã hiện
ra, hỏi han, chia sẻ và giải nghĩa những điều Kinh thánh nói về Đấng cứu thế,
nhưng các ông đã không nhận ra Người vì các ông đang bị những sự lo âu, chán
nản, buồn phiền và thất vọng che phủ tâm trí và con mắt. Khi hoàng hôn đến, họ đã mời người khách lạ
vào dùng bữa ăn với họ. Khi ngồi cùng bàn,
bẻ bánh và ăn chung với họ, thì họ mới nhận ra người khách lạ chính là Chúa,
nhưng Chúa đã biến đi. Sau đó, hai ông đã quay trở lại Giê-ru-sa-lem báo tin
cho các môn đệ khác về sự kiện Chúa đã sống lại và hiện ra với các ông.
Có
một câu chuyện về một họa sĩ điêu khắc được giao cho công việc kiến trúc một
cánh cửa nhà tạm trong ngôi thánh đường.
Ông chia cánh cửa nhà tạm thành 4 khung.
Trong khung thứ nhất, ông khắc hình 6 chum nước; trong khung thứ 2, ông
khắc năm chiếc bánh và hai con cá; trong khung thứ 3, ông khắc hình 13 người
ngồi chung quanh một cái bàn; và trong khung thứ 4, ông khắc hình 3 người cũng ngồi
chung quanh 1 cái bàn.
Sau
đó, ông đã giải thích những hình dạng khắc trên cánh cửa nhà tạm, và cho biết: hình
6 chum nước trong khung thứ nhất tượng trưng cho phép lạ Chúa biến nước thành
rượu tại tiệc cưới Cana. Và ông cho biết
câu chuyện Cana được gọi là “Tiền Báo Về Thánh Thể” khi Chúa Giê-su biến rượu
trở thành chính máu Chúa.
Hình
năm chiếc bánh và hai cá trong khung thứ
2, nhà điêu khắc giải thích là biểu hiệu cho phép lạ Chúa làm tại Capernaum, khi Chúa biến 2 thức ăn này thành nhiều để
nuôi đám đông dân chúng. Sau đó, Chúa tuyên bố với họ: “Ai đến với Ta thì không còn đói nữa vì thịt
Ta thật là của ăn và máu Ta thật là của uống.
Ai ăn mình Ta và uống máu ta thì có sự sống đời đời và Ta sẽ cho kẻ ấy
sống lại trong ngày sau hết.” (Ga. 6,
35, 51, 54) Và nhà điêu khắc này giải nghĩa đây là “Lời Hứa Của Thánh Thể.”
Hình
13 người ngồi chung quanh 1 cái bàn trong khung thứ 3 là hình ảnh của bữa Tiệc
Ly, và nhà điêu khắc này giải nghĩa là lúc Chúa chính thức “thiết lập” Bí tích Thánh
Thể, hoàn thành lời Chúa đã hứa khi hoá bánh và cá ra nhiều.
Trong
khung thứ 4 là hình ba người ngồi chung quanh một cái bàn diễn tả bữa ăn Emmaus
trong bài Tin mừng hôm nay, khi Chúa “cử hành” lần đầu tiên Bí tích Thánh Thể
mà Chúa đã thiết lập trong bữa Tiệc Ly.
Như
vậy, chúng ta nhận thấy, cánh cửa nhà tạm này tóm tắt sự mạc khải về Bí tích
Thánh thể chứa đựng trong Tin mừng, bắt đầu từ bữa tiệc Cana là sự tiền
báo, đến Capernaum là nơi tuyên bố lời hứa, cho đến Jerusalem là nơi thiết
lập Bí tích Thánh Thể, và Emmau là nơi cử hành Thánh Thể lần đầu
tiên.
Thoạt
nhìn vào diễn tiến câu chuyện Emmaus chúng ta không nhận ra sự trùng hợp với Bí
tích Thánh Thể. Nhưng nếu chú ý thì
chúng ta sẽ nhận thấy những phần chi tiết của bữa tiệc Emmaus này rất giống cấu
trúc của Thánh lễ mà chúng ta cử hành ngày nay.
Như chúng ta đã biết, Thánh lễ có 4 phần: phần thứ nhất là Nhập lễ; thứ
hai là Phụng vụ Lời Chúa; thứ 3 là Phụng vụ Thánh Thể và thứ 4 là Kết lễ. Cả hai, bữa tiệc Emmaus và Thánh lễ, đều có 4
phần rõ rệt: Phần Nhập lễ là khi 2 môn đệ và Chúa gặp và chào hỏi nhau trên con
đường; Phụng vụ lời Chúa là khi Chúa giải nghĩa Kinh thánh cho các ông nghe;
Phụng vụ Thánh thể là khi Chúa ngồi cùng bàn, cầm lấy bánh, bẻ ra và trao cho
họ cùng ăn; và Kết lễ là khi Chúa biến đi và 2 môn đệ trở lại Jerusalem tuyên
bố và minh chứng Chúa đã phục sinh và hiện ra với 2 ông.
Một
điểm quan trọng chúng ta cần biết và nên chú ý là trong lúc ngồi bàn ăn, mắt
của hai môn đệ đã sáng ra và nhận ra Chúa Giê-su Phục sinh khi “Người cầm lấy
bánh, bẻ ra và trao cho hai ông.” Ba
động tác chính này cũng là ba động tác chính mà chúng ta thấy trong phần Phụng
vụ Thánh Thể hiện nay. Cầm lấy bánh diễn
tả phần dâng của lễ trong đó có rượu và bánh.
Đọc lời chúc tụng là những lời nguyện và truyền phép của lễ. Bẻ bánh diễn tả phần rước lễ.
Do
đó, ông bà anh chị em thân mến, Bí tích Thánh Thể mà chúng ta cử hành ngày nay
phản ảnh một cách cực kỳ rõ ràng và giống như bữa tiệc Thánh Thể mà Chúa Giê-su
Ki-tô Phục sinh đã cử hành lần đầu tiên với 2 môn đệ tại Emmaus. Đây là mầu nhiệm cao cả mà Chúa Giê-su Ki-tô
phục sinh đã thiết lập và mạc khải cho Giáo hội để ở lại và hiện diện với nhân
loại cho đến tận thế.
Tôi
còn nhớ khi còn ở trong đại chủng viện và học môn học về Bí tích Thánh Thể, cha
giáo đã hỏi: “Phần nào trong Thánh lễ là phần quan trọng nhất?” Một thày đã trả lời là phần Kết lễ quan trọng
nhất. Cha giáo hỏi lại tại sao phần kết
lễ quan trọng nhất. Thày đó trả lời
rằng, “Mục đích của Bí tích Thánh Thể là
nuôi dưỡng chúng ta với Lời Chúa và Mình
Thánh Chúa, để chúng ta ra đi, làm chứng, trở thành những chứng nhân cho Chúa
Ki-tô Phục sinh, và mang tình yêu cũng như Nước Chúa đến với những người chung
quanh.” Và thày đó tiếp tục, “Bí tích
Thánh Thể không chấm dứt ở phần kết lễ, nhưng là sự khởi đầu, kêu gọi tín hữu ra
đi và tuyên bố cho mọi người điều mà 2 môn đệ đã làm: báo cho người khác tin
mừng Chúa đã sống lại. Chúng ta cũng phải
ra đi loan báo Chúa đã sống lại thật và đang sống giữa chúng ta qua việc sống
Lời Chúa bằng lời nói, hành động và bằng chính cuộc sống của chúng ta.”
Ông
bà anh chị em thân mến. Thật sự, nếu
chúng ta không thực hiện công việc này thì chúng ta là những Ki-tô thất bại
trong sứ mệnh rao giảng Tin mừng và chứng nhân cho Chúa. Phần Kết lễ kêu gọi mỗi người chúng ta ra về,
trong sức mạnh của Thánh Thể, can đảm tuyên xưng Chúa Giê-su đã chết đi, Người đã
sống lại, và Người sẽ trở lại trong vinh quang.
Đây là sứ mệnh Chúa Giê-su Phục sinh đã ban cho các môn đệ, và cho mỗi
người chúng ta để làm sáng danh Chúa.
Chúng
ta cầu xin Bí tích Thánh Thể nối kết chúng ta nên một với Chúa. Xin Chúa giúp
chúng ta có một niềm tin vững chắc vào Bí tích Thánh Thể và siêng năng rước
Chúa vào tâm hồn và vào gia đình hằng ngày, để Chúa biến những sự lo âu, đau
buồn, và thất vọng trở thành niềm vui và hy vọng.
Lm. Chánh xứ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét