Thứ Bảy, 5 tháng 3, 2016

Chúa Nhật 4 Mùa Chay. Năm C_2016

Ông bà anh chị em thân mến.  Dụ ngôn trong bài Tin mừng hôm nay rất quen thuộc và chúng ta cũng đã nghe nhiều lần. Chúng ta thường gọi dụ ngôn này là dụ ngôn Người Con Hoang Đàng, thế những cách giải nghĩa, cách gọi này không được chính xác, và đời sống của đứa con không đáng làm khuôn mẫu cho chúng ta.  Có người gọi dụ ngôn này là dụ ngôn Hai Anh Em, để diễn tả hai lối sống của 2 người con trong gia đình.
Ngày nay, theo như những nhà Kinh thánh, dụ ngôn này được gọi là Người Cha Nhân Hậu, và còn có người gọi là Người Cha Phung Phí.  Phung phí ở đây không phải là phung phí tiền bạc, nhưng phung phí ở đây là phung phí ơn lành, phung phí tình yêu, phung phí sự thương xót, để làm nổi bật lòng khoan dung nhân hậu của người cha.  Chúng ta nhận thấy dụ ngôn này rất phong phú về ý nghĩa sự liện hệ giữa con người, và bao gồm nhiều khía cạnh cuộc sống. Giáo hội kêu gọi chúng ta lắng nghe và suy nghĩ bài Tin mừng này, để tìm ra được những bài học ích lợi cho đời sống đức tin, cho đời sống Ki-tô hữu. 

Như ông bà anh chị em đã biết, trong mùa chay này, chúng ta được kêu gọi ăn năn sám hối quay trở về với Chúa, cũng như trở thành sứ giả lòng thường xót của Chúa trong Năm Thánh này, vì vậy, câu hỏi quan trọng cho chúng ta là “Đối với tôi, Thiên Chúa là ai?”, và “Tại sao tôi lại phải trở về với Chúa?”  Để có thể trả lời, chúng ta trở lại dụ ngôn, tự đặt mình vào 2 người con, để xem 2 người con nghĩ cha mình là ai, và đã sống như thế nào trong gia đình.  

Trước hết, nếu chúng ta nhìn vào sự liên hệ giữa người cha và đứa con út, thì chúng ta thấy sự tương phản sâu xa giữa lối suy nghĩ và hành động của đứa con với suy nghĩ và hành động của người cha. Chúng ta thấy người con út coi người cha trong gia đình là một người độc tài tước đoạt sự tự do, là người cấm cản muốn làm gì thì làm, muốn sống như thế nào.  Bởi vì nếu là một người con sống trong gia đình thì phải theo sự chỉ bảo, dạy dỗ và hướng dẫn của người cha.  Anh coi người cha là một người bắt anh phải sống theo nề nếp, khuôn phép của gia đình, và theo sự hướng dẫn của cha, làm cho anh không được thoải mái, không được tự do, không hoàn toàn sống theo ý mình. Anh cảm thấy không vui, không thoải mái và không hạnh phúc.  Và anh ích kỷ nghĩ đến ngày sống một mình, được hoàn toàn tự do sống theo ý mình muốn, như thế mới được vui, thoải mái và hạnh phúc. Sự ích kỷ của anh đưa đến việc xin chia gia tài.  Đó là điều tồi tệ đáng kinh tởm theo truyền thống người Do thái cũng như Việt Nam.  Chúng ta biết gia tài chỉ được chia sau khi cha mẹ đã qua đời. Xin chia gia tài lúc cha mẹ còn sống có khác nào cầu mong cho cha mẹ mau chết đi là một điều xỉ nhục và đáng kinh tởm. Chúng ta thấy trong xã hội ngày nay, như người con út này, cũng có nhiều con cái mong muốn cha mẹ già mau chết đi, để khỏi bận tâm, để khỏi bị quấy rầy mất thời giờ.  Đối với người con út này, anh coi người cha là một người tước đoạt quyền tự do của anh, làm cho anh mất vui, mất hạnh phúc, và là người cấm cản anh có cuộc sống thoải mái. 

Ông bà anh chị em thân mến.  Trong lãnh vực đức tin và trong mối tương quan liên hệ với Thiên Chúa, nhiều người chúng ta nghĩ rằng Thiên Chúa và giáo huấn của Chúa lấy đi sự tự do, làm cho cuộc sống của chúng ta mất vui, không được thoải mái và mất hạnh phúc. Chúng ta hãy tự hỏi “Có bao giờ chúng ta nghĩ Chúa là người độc tài, người khó khăn, người đòi hỏi và giáo huấn của Chúa làm cho chúng ta mất tự do, mất vui, không được thoải mái và mất hạnh phúc không?”  “Có bao giờ chúng ta nghĩ trong thời đại này, tại sao tôi phải sống theo giáo huấn của Chúa dạy?”  “Tại sao tôi phải hy sinh, phải phục vụ, phải hãm mình, phải công bằng, phải bác ái, phải quảng đại, vì những điều Chúa dạy này làm phiền đến cuộc sống của tôi, và làm cho cuộc sống của tôi không được thoải mái, không được vui, không được hạnh phúc!”  “Có bao giờ ông bà anh chị em nghĩ như vậy không?”

Với người con cả, chúng ta thấy anh nghĩ rằng người cha trong gia đình không phải là người cha, mà đúng hơn là một ông chủ khó khăn và đòi hỏi.  Và anh, tuy không bỏ nhà ra đi sống trong gia đình, và chăm chỉ làm việc, làm hết sức mình, nhưng không phải là người con, nhưng chỉ là một người làm công thôi.  Chúng ta nghe anh nói với người cha “Cha coi, đã bao năm con hầu hạ cha, không hề trái lệnh cha một điều nào.”  Thật sự, anh cho rằng anh chỉ là người làm công thôi chứ không phải làm con.  Anh sống trong gia đình với thái độ và cuộc sống của một người làm công, cho nên anh không hiểu, và có lẽ anh cũng chẳng cần phải hiểu, chẳng cần phải để ý đến tâm tư của người cha yêu thương, nhân từ, chờ đợ, tha thứ cho người con út tội lỗi, biết ăn năn quay trở về. Anh nghĩ rằng người em và anh chỉ là những người làm công, cho nên, vì ganh ghét và tranh chấp, anh  không thể nào đón nhận thằng em hoang đàng biết ăn năn sám hối quay trở về với cha, và với gia đình. 

Ông bà anh chị em thân mến.  Hình ảnh người con cả này, cho chúng ta thấy trong đời sống đức tin, nhiều khi chúng ta nhìn Thiên Chúa không phải là một người cha, chúng ta cũng không phải là người con, và chúng ta cũng không phải là anh chị em với nhau trong thân thể Chúa Ki-tô, trong một gia đình của Chúa. Chúng ta có thái độ của người làm công, được trả công, làm nhiều ăn nhiều, không có sự yêu thương, không có sự liên hệ chân thành và mật thiết cha con, và anh chị em.  Vì vậy nhiều khi chúng ta sống ích kỷ, tự cao, tranh chấp, chia rẽ và ghen ghét nhau. Chúng ta không biết sống hy sinh, phục vụ, quảng đại, hiệp nhất và yêu thương nhau như Chúa đã dạy chúng ta. Do đó, qua hình ảnh hai người con trong dụ ngôn, chúng ta hãy tự hỏi “Thiên Chúa là ai với tôi?  Và tôi là ai trong 2 người con, và tôi có thái độ, cuộc sống như thế nào trong gia đình của Chúa?”

Thiên Chúa là Cha Nhân Hậu, đã, đang và sẽ tiếp tục phung phí tình yêu, lòng thương xót và những ơn lành hồn xác cho chúng ta. Chúng ta sẽ không bao giờ giải nghĩa được tình yêu thương và lòng thương xót của Chúa cho chúng ta.  Đó là tấm lòng của Người Cha Nhân Hậu. Xin Chúa thương giúp và biến đổi chúng ta trở thành những người con, biết sống lời Chúa dạy, biết yêu thương, quảng đại và hiệp nhất trong gia đình của Chúa, và trở thành sứ giả tình yêu và lòng thương xót của Ngài.

 Lm. Chánh xứ




Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....