Chủ Nhật, 17 tháng 9, 2017

Chúa Nhật 24 Thường niên. Năm A_2017


Ông bà anh chị em thân mến. Tin tức trên thế giới, trong quốc gia và địa phương những ngày này cho chúng ta biết nhiều vụ xung đột, tranh chấp, bạo động đẫm máu, giết người và án mạng xảy ra, xảy ra hằng ngày vì không tha thứ.  Không biết tha thứ dễ dẫn con người đến những sự thù hằn, trả thù và mất an bình trong bất cứ môi trường nào. 
Chúng ta thấy tha thứ là một đề tài rất quan trọng đã được lập đi lập lại nhiều lần trong Kinh Thánh.  Vì giàu lòng từ bi và thương xót, Thiên Chúa hay tha thứ chứ không phải vì tội nhân đáng được tha thứ.  Chúng ta biết có những lúc con người xúc phạm và phản bội Thiên Chúa, Người đã nổi cơn thịnh nộ, quyết định trừng phạt để cảnh tỉnh họ, để họ ăn năn quay trở về, nhưng trong những trường hợp này, Kinh Thánh cho chúng ta biết vì cứng lòng, con người đã ngoảnh mặt đi, từ chối lòng thương xót và ơn tha thứ của Thiên Chúa.

Yêu thương và tha thứ là những giáo huấn quan trọng nhất của Chúa Giêsu mà chúng ta đọc thấy trong các sách Tin mừng.  Chúa dạy chúng ta tha thứ không phải chỉ 1, 2, 3 hay 7 lần mà luôn mãi. Thế nhưng chúng ta phải ý thức một cách thật rõ ràng và sáng suốt mục đích của sự tha thứ không phải là mù quáng che đậy cho đối tượng tiếp tục sống trong tình trạng tối tăm, tội lỗi, hay tha thứ là một thái độ nhận chịu để đối tượng tiếp tục làm những điều sai trái và sự dữ.  Mục đích của sự tha thứ là để cho đối tượng có cơ hội ăn năn, có một cuộc sống tốt lành và hữu ích hơn, hay làm cho sự liên hệ giữa các thành phần trở nên tốt đẹp hơn, cuộc sống có ý nghĩa hơn và mọi người sống trong an bình, hạnh phúc.

Các bài Kinh Thánh tuần này đều dẫn chúng ta đến giáo huấn tha thứ của Chúa Giê-su Kitô. Đoạn sách Huấn ca hôm nay nêu lên nhiều lý do để chúng ta tha thứ lỗi lầm cho nhau, nhất là chúng ta có tha thứ cho nhau thì Thiên Chúa mới thương tha tội chúng ta. Trong bài đọc hai, thánh Phao-lô dạy chúng ta biết chúng ta không sống cho mình mà sống cho Chúa, vì tất cả chúng ta đều thuộc về Chúa.  Do đó mà không có lý do chúng ta gì từ khước không tha thứ cho nhau. 

Như chúng ta vừa nghe trong bài Tin mừng, thánh Phêrô đã đến hỏi Chúa Giêsu:  “Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần?  Có phải đến bảy lần không?”  Chúa đã trả lời: “Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy.”  Và sau đó Chúa đã dùng một câu chuyện dụ ngôn để làm sáng tỏ vấn đề.  Dụ ngôn này cho chúng ta biết chúng ta mắc nợ Chúa rất nhiều, tội lỗi của chúng ta xúc phạm đến Chúa vừa nhiều vừa nặng nề, dường như không thể tha thứ được, nhưng Chúa vẫn tha thứ và ban nhiều ơn lành cho chúng ta. Trong khi đó những lỗi phạm của người khác với chúng ta, dù thế nào chăng nữa không đáng gì so với tội lỗi chúng ta phạm đến Chúa, mà chúng ta vì tự cao, tự ái và ích kỷ không tha thứ cho nhau.  Nếu vậy thì chúng đừng mong Chúa tha thứ cho chúng ta.

Ông bà anh chị em thân mến. Tại sao chúng ta phải tha thứ?  Thưa thứ nhất vì con người chúng ta bất toàn.  Vì bất toàn, cho nên chúng ta lỗi phạm với Chúa và với người khác.  Có những lúc chúng ta hay người khác cố ý xúc phạm, cố ý gây nên những điều hại, điều xấu cho người khác, nhưng nhiều khi chỉ là vô tình.  Chỉ cần một chút cảm thông, hiểu biết thì sẽ dễ bỏ qua.  Nếu không thì sự tức giận, oán hờn và bất an sẽ luôn che phủ tâm hồn. 

Thứ hai, phải tha thứ vì chính chúng ta cần được thứ tha.  Chúng ta cần sự tha thứ cho chính mình vì bản thân chúng ta có nhiều lầm lỗi.   Nếu chúng ta không tự tha thứ cho mình thì lương tâm sẽ cắn rứt dày vò khiến chúng ta sống trong buồn phiền, sầu thảm.  Nhận ra mình yếu đuối nhiều lỗi lầm với Chúa và cần được Chúa tha thứ, chúng ta sẽ dễ cảm thông tha thứ cho anh chị em.

Thứ ba, phải tha thứ vì đó là điều kiện để được tha thứ.  Trong Tin mừng, chúng ta thấy Chúa nhấn mạnh điều kiện này nhiều lần.  Trong Kinh Lạy Cha, Chúa bắt chúng ta phải hứa tha cho anh chị em khi chúng ta xin Chúa tha thứ tội lỗi của chúng ta.  Chúa còn khẳng định rằng: “Thật vậy, nếu các con tha tội cho người ta, thì Cha các con trên trời mới tha tội cho các con.  Nhưng nếu các con không tha thứ cho người ta, thì Cha các con cũng sẽ không tha tội cho các con.”

Sau cùng, phải tha thứ để trở nên giống hình ảnh Thiên Chúa.  Thiên Chúa là người Cha nhân từ và hay tha thứ, và Chúa Giê-su khi xuống thế làm người là hình ảnh, là chân dung nhân từ của Thiên Chúa Cha.  Và Người không ngừng kêu gọi chúng ta hãy trở nên hoàn thiện như Cha trên trời.  Chúa Giê-su đã thể hiện lòng thương xót của Chúa Cha khi tha thứ cho những người đóng đinh Người trên thập giá “Lạy Cha, xin tha tội cho họ, vì họ không biết việc họ làm.”

Chúng ta biết tha thứ là một ơn sủng có một sức mạnh tác động vào 2 đối tượng: người tha và người được tha.  Đối với người tha, thì qua ơn lành tha thứ làm cho tất cả những sự tức giận, hận thù và mất bình an chất chứa trong tâm hồn được trút bỏ đi, và vì vậy, có một tinh thần và đời sống mới.  Thứ hai, đối với người nhận được sự tha thứ thì sự tha thứ này giúp họ cảm nhận được một kinh nghiệm lạ lùng, đó là tâm hồn hay cuộc sống của họ được chữa lành.  Có lẽ chúng ta biết những người hay là chính chúng ta được ơn lành tha thứ tác động và biến đổi cuộc sống trở nên tốt lành hơn. Thật vậy, để có thể tha thứ và sự tha thứ này trở thành ơn sủng cho người khác, chúng ta phải nhìn người lầm lỗi qua con mắt của Chúa Giêsu, như Chúa đã nhìn những người tội lỗi trong Tin mừng như người con hoang đàng, người đàn bà ngoại tình, con chiên lạc, có nghĩa là, không phải là một kẻ thù, mà là một người đau khổ, thất vọng đã mất hướng đi, cần sự tha thứ.

Ông bà anh chị em thân mến.  Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta về lòng nhân từvà thương xót của Chúa cho chúng ta, và dạy chúng ta phải tha thứ cho nhau.  Chúng ta hãy nhìn vào sự liên hệ giữa chúng ta với người khác, nhất là những người chung quanh. Nếu chúng ta lầm lỗi, thì xin Chúa ban ơn can đảm và khiêm nhường để xin tha thứ. Nếu người khác xúc phạm chúng ta, thì chúng ta mở rộng tâm hồn để tha thứ.  Tha thứ và yêu thương luôn đi đôi với nhau và là ơn sủng của Chúa ban, để chúng ta sống trong an bình và hạnh phúc.    

Lm. Chánh xứ 

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....