Thứ Bảy, 19 tháng 5, 2018

Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Năm B_2018.

Bài đọc 1 trích Sách Tông đồ Công vụ hôm nay thuật lại cho chúng ta nghe sự kiện Chúa thánh thần hiện xuống. Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần tức là 50 ngày sau lễ Vượt qua, lúc đó các Tông đồ đang hội họp trong phòng cầu nguyện bỗng từ trời có tiếng gió thổi mạnh, và có những ngọn lửa hiện xuống, chia ra thành nhiều hình lưỡi đậu trên họ. Quang cảnh thật kỳ lạ, nhưng lập tức mọi người đều nhận thấy ngay đây là việc của Chúa.  Qua tiếng gió thổi mạnh và hình lưỡi lửa hiện đến, mọi người cũng nhận biết rằng Chúa muốn chứng tỏ một hành động cách mạnh mẽ và rõ ràng của Ngài cho các ông.

Mà thực vậy, chúng ta thấy các Tông đồ bỗng dưng sốt mến, nhiệt thành khi nhận được Chúa Thánh Thần như các tiên tri trong những giây phút xuất thần và thiêng liêng nhất.  Các Tông đồ lập tức nói được những tiếng lạ, can đảm và bạo dạn ca tụng các kỳ công và việc lạ lùng của Chúa một cách công khai giữa đám đông dân chúng. Thấy sự lạ, người ta kéo nhau lại coi.  Không ai đếm được số người bao nhiêu và thuộc những dân nước nào, nhưng vì hôm đó là ngày lễ lớn, các người Do thái đi làm ăn hay sống ở nơi xa cũng về dự lễ.  Tác giả sách Tông đồ Công vụ kể tên 12 nơi, từ Đông sang Tây lấy Giuđêa làm chính, có ý ám chỉ rằng, tất cả mọi nơi trên mặt đất này đều được Chúa gọi về để tham dự hồng ân Ngài đã từng hứa ban.  Như lời tiên tri Gioel đã tuyên bố từ lâu trong Cựu ước rằng: “Sẽ đến ngày Ta đổ Thần trí Ta trên mọi người; già trẻ trai gái hết thảy sẽ nói tiên tri và tiếng lạ.”

Như vậy, ngày hôm nay, việc đó đã xảy đến. Quả thật Thiên Chúa đang hành động kỳ diệu nơi các Tông đồ. Họ là người Galilêa, thế mà mọi người đang nghe họ nói về Chúa trong thứ ngôn ngữ của mình. Rõ ràng Chúa muốn dùng họ để đoàn tụ muôn dân lại trong một niềm tin, khác với cảnh xây tháp Babel ngày xưa, anh em một nhà mà bỗng dưng nói tiếng xa lạ không còn hiểu nhau nữa.  Gia đình nhân loại từ ngày đó đã bị phân rẽ và chia rẽ, kình địch nhau vì họ kiêu căng, tự cao muốn chống lại Chúa.  Hôm nay các Tông đồ, những con người Galilêa yếu kém, đã được Chúa Thánh Thần biến đổi, tràn đầy lòng yêu mến Chúa, đang nhiệt tâm ca tụng và nói lên những lời sốt sắng về niềm tin của họ vào Chúa Ki-tô để đoàn tụ muôn dân lại trong một cộng đoàn dân Chúa.

Các Tông đồ cũng hiểu rõ ý nghĩa của những ngọn lửa xuất hiện trên đầu các ông. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã dùng lửa để báo hiệu việc Chúa hiện diện và dẫn dắt dân đi trong u tối và để thánh hóa chấp nhận các lễ vật. Các lưỡi lửa hôm nay cũng nói lên việc Chúa hiện diện, thánh hoá, soi sáng, khích lệ cộng đoàn Tông đồ của các ông. Vì thế các Tông đồ xác tín vào Chúa hơn để can đảm ra đi rao giảng và làm chứng cho Chúa. Thế nhưng cùng với việc các Tông đồ nói được tiếng lạ và hình lưỡi lửa hôm nay còn làm chứng cho sự kiện Chúa Thánh Thần muốn đặt vào lòng Giáo hội sơ khai bản tính can đảm, sốt sắng và nhiệt thành để biến cả thế giới nên một gia đình đầy bác aí yêu thương.

Trong ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống mà chúng ta mừng hôm nay, Chúa cũng muốn chúng ta sống lại tất cả ý nghĩa của ngày lễ Chúa Thánh Thần, để chúng ta thấy sự lạ lùng cả thể của ngày lễ, và nhất là để chúng ta đem tất cả những ý nghĩa và sự lạ lùng đó vào đời sống đạo, đời sống đức tin của chúng ta. Như các Tông đồ của Chúa trong ngày lễ Hiện xuống được tràn đầy Thánh Thần can đảm làm chứng nói lên niềm tin đoàn tụ muôn dân lại thế nào, thì hôm nay chúng ta cũng phải trở thành những con người thu hút người ta về với Chúa, và hiệp nhất với nhau thành một gia đình cộng đoàn giáo xứ và Giáo hội.  Người khác sẽ nhận ra và tin vào Chúa Ki-tô Phúc sinh nhờ thái độ sống đạo sốt sắng và nhiệt thành, nhờ lòng xác tín, và nhờ lòng can đảm trung thành sống Lời Chúa, trở thành những nhân chứng của Chúa Ki-tô của chúng ta.

Bởi vì hôm nay, trên thế giới và trong xã hội này, còn nhiều sự thù hằn, tranh chấp, đàn áp, khủng bố cũng như hiểm họa chiến tranh và sự dữ như những vụ tàn sát học sinh trong các trường học như tại tiểu bang Texas mấy ngày vừa qua, ngoài ra chúng ta còn thấy những gia đình vợ chồng không hòa thuận, tan nát, chia rẽ, có những người vì bị vật chất lôi cuốn bỏ niềm tin, sống thờ ơ và xa Chúa, và nhiều người sống trong sự lo âu, sợ hãi vì nhiều lý do, Thiên Chúa cũng vẫn đang còn muốn ban Thánh Thần Người cho những ai cầu xin. Và Chúa Thánh Thần muốn tiếp tục hoạt động trong các cộng đoàn, trong mỗi Kitô hữu như ngày trước, để đem bình an, sự an ủi và hy vọng đến cho người khác.  

Ðặc biệt trong Thánh lễ này, Thiên Chúa đang muốn đổ Chúa Thánh Thần xuống để biến đổi và thánh hóa, ban cho chúng ta những người đang sum họp nơi đây ơn can đảm và sốt mến, để chúng ta biết hy sinh, sống bác ái và quảng đại cộng tác với Chúa đem tình yêu và ơn cứu độ đến cho mọi người.

Chúng ta cùng hướng lòng và dâng lên với Chúa lời cảm tạ, tri ân vì những việc lạ lùng Chúa đã làm cho chúng ta.  Nhất là Thánh Thể mà chúng ta sắp chịu lấy, là Mình Máu Thánh Chúa, là sự sống mạnh mẽ đầy yêu thương tuôn trào ra từ Thân Thể Chúa, để ai lãnh nhận, chính họ sẽ không sống nữa, nhưng là chính Chúa và Thánh Thần của Người sống ở trong họ.

Chúng ta xác tín khi ra về tùy theo phận sự và công việc, nếu chúng ta tiếp tục để cho Chúa sống ở trong chúng ta, thì như lời Thánh thư hôm nay nói, chính Chúa Thánh Thần tác động, làm việc và hành động ở trong mọi người chúng ta. Và như vậy, một Chúa Thánh Thần sẽ hướng dẫn công việc của mọi người chúng ta, tuy nhỏ bé và khiêm tốn, nhưng cũng là những sự thúc đẩy người khác quy tụ lại trong cùng một gia đình yêu thương của Chúa Ki-tô.  Đồng thời cũng làm cho các sự lầm lạc tối tăm, chia rẽ hận thù, tranh chấp khủng bố, tàn sát và giết người dần dần bị loại ra.

Chúng ta nhận biết vai trò của Chúa Thánh Thần rất quan trọng trong đời sống Ki-tô hữu và trong Giáo hội, vì vậy một Thượng phụ đã không ngần ngại quả quyết rằng: “Không có Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa sẽ ở xa.  Đức Ki-tô bị khép lại ở trong quá khứ.  Tin mừng chỉ là những dòng chữ chết.  Hội thánh sẽ chỉ là một tổ chức bình thường.  Công việc truyền giáo sẽ trở thành một việc tuyên truyền không hơn không kém.  Rồi việc cầu nguyện, thờ phượng chỉ còn là một thứ tưởng niệm, và những sinh hoạt Ki-tô giáo sẽ chỉ là một thứ đạo đức nô lệ và hình thức.” 

Xin Chúa Thánh Thần luôn luôn ngự trong tâm hồn và thúc đẩy chúng ta hành động vì yêu thương và cho yêu thương, để chúng ta được sống bình an, ơn sủng và hạnh phúc đời này và đời sau trong vinh quang Nước Chúa.
Lm. Antôn



Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....