Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2019

Chúa Nhật 16 Thường niên. Năm C_2016

Trong bài Tin mừng hôm nay, chúng ta nghe câu truyện hai chị em Mát-ta và Maria rước Chúa vào nhà mình.  Nhưng để có thể hiểu được ý nghĩa sâu sa, chúng ta phải trở về bài Tin mừng Chúa nhật tuần trước, vì có sự liên kết với nhau.  Nếu chúng ta còn nhớ, trong bài Tin mừng Chúa nhật tuần trước, một người thông luật đến hỏi Chúa Giê-su:
“Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được cuộc sống đời đời?”  Chúng ta hãy tự hỏi còn câu hỏi nào quan trọng hơn câu hỏi này không!  Thế nhưng nhiều Ki-tô hữu thờ ơ hay cho rằng không đáng quan tâm. Họ nghĩ rằng cuối cùng đến giờ chết, tất cả đều được cứu độ không cần biết đã sống như thế nào hay đã làm gì. Thái độ này không phải là sứ điệp mà chúng ta tìm thấy trong Tin mừng. Chúa Giê-su đã có lần tuyên bố: “Ta bảo thật cho các ngươi biết, nhiều người sẽ cố gắng tìm vào, nhưng không vào được.” (Lc. 13, 23-24)  Ngoài ra, trong các dụ ngôn về Nước trời, Chúa Giê-su dạy chúng ta một cách minh bạch phải làm gì và sống như thế nào để được hạnh phúc Nước trời. Cho nên chúng ta phải lắng nghe và tuân thủ lời Chúa dạy một cách nghiêm trọng. Tôi nghĩ rằng là những Ki-tô hữu, hằng ngày chúng ta phải tự hỏi: “Lạy Chúa, hôm nay con phải làm gì hay sống như thế nào để được sống đời đời?”

Để trả lời cho câu hỏi: “Phải làm gì để được cuộc sống đời đời?”, Chúa Giê-su đã hỏi người thông luật: lề luật đã nói gì về điều này.  Người thông luật có câu trả lời rất chính xác: “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi, và hãy thương mến anh em như chính mình.”  Sau đó người thông luật đã hỏi Chúa Giê-su cho ông ta một định nghĩa về anh em là những ai, và dẫn đến dụ ngôn người Samaria nhân hậu.

Tôi tin rằng thánh Luca có một chủ đích khi đặt bài Tin mừng hôm nay ngay sau dụ ngôn người Samaria nhân hậu. Đó là muốn diễn tả ý nghĩa phần đầu của giới luật quan trọng nhất: “Yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi.” Chúng ta phải chú ý đến điểm nay: Tin mừng không nói Mát-ta không yêu mến Chúa trong khi Maria thì có.  Bà Mát-ta yêu mến Chúa và bà thể hiện lòng yêu mến Chúa qua việc phục vụ, sửa soạn bữa ăn thịnh soạn cho Người và các môn đệ, như dụ ngôn người Samaria nhân hậu dạy phải giúp đỡ, săn sóc người khác, và đó là điều bà Mát-ta đang làm. Nhưng Chúa Giê-su muốn nói với chúng ta rằng thỉnh thoảng chúng ta phải ngưng bận rộn và phải chú tâm đến Chúa, phải đó là điều bà Maria đang làm.  Chú tâm còn được gọi là “cầu nguyện.”  Hay nói cách khác, cầu nguyện phải đi đôi với những việc làm, với việc phục vụ, thì mới là những Ki-tô hữu chính đáng. Cầu nguyện và phục vụ phải đi đôi với nhau. Cầu nguyện là linh hồn của phục vụ, và phục vụ là kết quả của cầu nguyện.  Nếu không có sự cầu nguyện thì nhiều khí chúng ta tưởng chúng ta hoạt động, phục vụ Chúa, nhưng hóa ra chúng ta phục vụ chính mình.  

Hầu hết, khi đề cập hay nghe nói đến cầu nguyện là chúng ta nghĩ đến việc “đọc kinh”, đó là một phương cách cầu nguyện, nhưng cầu nguyện còn bằng cách lắng nghe, suy niệm về thành ý Chúa cho chúng ta, hay chỉ hiện diện bên Chúa, chú tâm đến Chúa mà không cần phải nói hay nghĩ gì.  Đó là điều Maria đang làm, bà ngồi bên cạnh Chúa, im lặng lắng nghe lời Chúa nói.  Và đó cũng là điều Chúa khuyên bà Mát-ta làm: “Con lo lắng bối rối về nhiều chuyện. Chỉ có một sự cần mà thôi.”  Qua đó, Chúa muốn dạy chúng ta bài học: trong cuộc sống bận rộn và bon chen này, chúng ta cần phải dành thời giờ cho Chúa, chúng ta phải hy sinh thời giờ đến với Chúa và cầu nguyện.

Có câu truyện như sau. Một linh mục đang thống kê tình hình của xứ đạo, hỏi một gia trưởng: “Anh có thường cầu nguyện chung cả gia đình không?” Gia trưởng trả lời: “Thưa cha, chúng con rất bận rộn, không có thời giờ.” “Giả như anh biết một đứa con sẽ bị bệnh nếu không cầu nguyện, gia đình anh có cầu nguyện không?” “Ồ, chúng con sẽ cầu nguyện.”  “Giả sử anh biết gia đình lơ là việc cầu nguyện, một đứa con sẽ gặp tai nạn. Các con anh có cùng cầu nguyện không?” “Dĩ nhiên chúng con sẽ cầu nguyện.” “Giả sử mỗi ngày anh quên cầu nguyện, giáo luật phạt 5 đôla. Anh có sao lãng việc cầu nguyện không?” “Chắc chúng con sẽ cầu nguyện. Nhưng ý của những câu hỏi này của cha là gì?” “Vấn đề của anh là không có thời giờ cầu nguyện. Anh có thể tìm được thời giờ cầu nguyện. Anh nghĩ cầu nguyện không quan trọng hơn những việc nộp phạt hay giữ sức khỏe cho con. Ơn Chúa ban qua lời cầu nguyện quan trọng hơn bất cứ những gì anh có thể nghĩ tới.

Chúng ta gọi ngày Chúa nhật là Ngày Của Chúa, vì vậy chúng ta đến và hiện diện trong ngôi nhà Chúa hôm nay. Tôi tin rằng hôm nay, Chúa rất vui mừng và thật hạnh phúc vì mọi người đã dành chút ít thời giờ cho Chúa. Chu toàn bổn phận ngày Chúa nhật là một trong những phương cách quan trọng và hàng đầu mà chúng ta tỏ bày tình yêu mến Chúa trọn vẹn trong cuộc sống Ki-tô hữu.  Thánh lễ là lời cầu nguyện quan trọng nhất, và là một hành động thể hiện lòng tôn kính toàn vẹn của chúng ta dâng lên Chúa. 

Mẹ thánh Têrêsa Calcútta, một nữ thánh giữa đời thường, mỗi ngày trước khi bước xuống “địa ngục Calcutta” để chăm sóc những người cùng khổ, hoặc đi vào “nhà hấp hối” để an ủi các kẻ liệt, Mẹ và các nữ tu đã quì cầu nguyện trước Thánh Thể một tiếng đồng hồ để kín múc nơi Chúa: tình yêu, sức mạnh, lòng can đảm và nhiệt huyết tông đồ.  Hoạt động tông đồ, hay hoạt động từ thiện bác ái, hay hy sinh phục vụ chúng ta cũng đừng quên “chọn phần tốt nhất” này, đó là cầu nguyện.  Hãy nhớ lời Chúa: “Không có Thầy, chúng con không làm gì được.”

Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất.”  Phần tốt nhất ấy chính là ở bên cạnh Chúa, lắng nghe Chúa nói, và cầu nguyện với Chúa.  Đó là cách sống diễn tả ý nghĩa phần đầu của giới răn quan trọng nhất: “Yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi”, để được bình an đời này, và hạnh phúc Nước trời ngày sau.   
Lm. Chánh xứ
 

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....