
Theo lịch phụng vụ Tháng Mười có hai chủ
đề quan trọng. Thứ nhất, Tháng Mười là
tháng Mân Côi, kính Đức Maria, và thứ nhì là nhắc nhở mọi Ki-tô hữu chú trọng
tới sứ vụ truyền giáo, rao giảng Tin mừng.
Chúng ta biết ý nghĩa kinh Mân côi, cũng như cuộc đời của Đức Maria luôn
kết hợp với sứ vụ dấn thân rao giảng Tin mừng và với đời sống phục vụ.
Chúng ta được kêu gọi trong tháng Mân Côi,
tái khám phá ra nét đẹp và ý nghĩa trong mầu nhiệm kinh Mân côi. Khi còn sống, Đức Thánh giáo hoàng Gioan
Phaolô Đệ nhị đã để lại cho chúng ta một hình ảnh rất đẹp và thánh thiện, khi
ngài quì chìm đắm trong thinh lặng với chuỗi Mân côi trong tay, suy niệm mầu
nhiệm kinh Mân côi. Có thể nói Đức Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô Đệ
nhị là vị tông đồ vĩ đại của kinh Mân côi.
Trong tông thư Kinh Mân Côi của Đức Trinh Nữ Maria, (Rosarium Virginis
Mariae) gởi mọi tín hữu, Đức Thánh Giáo hoàng đã kêu mời mọi người hướng về và
sốt sắng suy niệm các mầu nhiệm của kinh Mân côi. Người nói: “Kinh Mân
Côi là lời cầu nguyện vừa có tính cách chiêm niệm vừa hướng về Chúa Kitô. Đây là lời cầu nguyện của những Kitô hữu đang
tiến bước theo Chúa Giêsu trong cuộc hành trình đức tin và có Mẹ Maria đi đầu
hướng dẫn.”
Kinh Mân côi đơn giản là chuỗi kinh Kính mừng. Chúng ta biết kinh Kính Mừng có 2 phần và là kinh đẹp nhất chỉ sau kinh Lạy Cha. Phần đầu của kinh Kính Mừng có nguồn gốc từ
chính Lời Chúa trong Tin mừng của thánh Lu-ca. Khi hiện đến báo tin cho Đức Maria biết được
Thiên Chúa chọn là mẹ Con Thiên Chúa, thiên thần đã chào: “Kính mừng
Ma-ri-a đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng bà.”
Sau khi thụ thai, Đức Maria đã vội vã lên đường mang Ngôi Lời Thiên Chúa
đến cùng bà E-li-za-bét. Khi vào nhà, bà
E-li-za-bét đã cùng với người con đang nhảy mừng trong lòng thối lên rằng: “Bà
có phúc lạ hơn mọi người nữ và Giê-su con lòng bà gồm phúc lạ.” Phần thứ hai của kinh Kính mừng, “Thánh
Maria, Đức Mẹ Chúa Trời”, là lời của
Giáo hội tung hô Mẹ khi tuyên xưng đặc ân Mẹ Thiên Chúa của Mẹ . Chúng ta biết chuỗi Mân Côi được kết dệt bằng
những lời kinh Kính mừng cùng với việc suy gẫm 20 mầu nhiệm Tin Mừng, gắn liền
với công trình nhập thể cứu chuộc của Chúa Giê-su Ki-tô, trong đó Mẹ luôn luôn
góp phần cách trực tiếp. Phải chăng đó
là lý do Mẹ muốn và khuyến khích chúng ta, con cái của Mẹ, suy niệm Kinh Mân Côi? Chúng ta thấy không lần nào Mẹ hiện ra mà Mẹ không
cầm chuỗi Mân Côi để nhắc nhở con cái Mẹ lần chuỗi Mân Côi. Vì thế, tôi kêu gọi mọi
người, mọi gia đình hãy sốt sắng cầu nguyện kinh Mân Côi trong tháng 10 này. Xin Đức Mẹ cầu bầu ban yêu thương hòa thuận
cho tất cả mọi gia đình, đồng thời cầu nguyện cho công cuộc xây ngôi thánh đường
mới được tốt đẹp, theo thánh ý Chúa.
Chủ đề quan trọng thứ hai
trong tháng 10 này là nhắc nhở mọi người Ki-tô hữu về sứ vụ rao giảng Tin mừng. Chúng ta biết tự bản chất, sứ vụ quan trọng
của Giáo hội là làm chứng và rao giảng Tin mừng của Chúa Ki-tô. Chính Chúa Giêsu Phục sinh đã trao ban cho chúng
ta sứ vụ này. Chúa nói: “Như Cha đã sai
Thầy, thì Thầy cũng sai các con.” (Gn 20,21). Sứ vụ rao truyền của Giáo hội kéo
dài từ sứ mạng của Chúa Kitô, đó là: mang tình yêu Thiên Chúa và ơn cứu độ đến
cho mọi người. Thánh Phaolô, vị tông đồ của các dân ngoại, đã viết trong thư thứ
2 gởi người Corintô như sau: “Tình Yêu
Chúa Kitô thôi thúc tôi (trở thành sứ giả mang Tin mừng đến cho mọi người).” (2
Co 5,14). Mỗi người Kitô chúng ta phải
mặc lấy tâm tình này, can đảm trở thành những chứng nhân và sứ giả mang tình
yêu của Chúa đến cho mọi người.
Nhưng để chu toàn sứ vụ quan
trọng này trong xã hội hôm nay, chúng ta phải có một đức tin vững mạnh vào
Chúa. Muốn có một đức tin vững mạnh thì phải được nuôi
dưỡng bằng Thánh Thể, Lời Chúa và bằng giáo huấn của Giáo hội. Thánh Thể là sức mạnh giúp chúng ta can đảm
sống lời Chúa. Lời Chúa được sánh ví như ngọn đèn, như ánh sáng trong đêm đen soi
đường dẫn lối cho con người chúng ta tránh khỏi sự dữ và những cạm bẫy của ma
quỉ. Chúng ta biết cạm bẫy và cám dỗ xuất hiện trong xã hội hôm nay qua nhiều
hình thức như những thói hư tật xấu, qua sự tham lam, ích kỷ, kiêu căng, cứng
lòng và lười biếng, qua những sự nghi ngờ về niềm tin, nhất là từ chối lắng
nghe và sống lời Chúa dạy. Sự dữ và tội
lỗi đưa chúng ta vào cuộc sống sai lầm, nhất là dần dần mất đức tin.
Nếu chúng ta thành tâm nhìn vào cuộc sống
thì chúng ta có thể nhận ra tầm mức đức tin của chúng ta hôm nay ở đâu và như
thế nào. Tầm mức đức tin được đánh dấu
qua những hành động hy sinh, phục vụ, bằng cuộc sống bác ái và quảng đại. Thánh
Giacôbê khẳng định rằng: “Đức tin không hành động thì quả là đức tin chết.” Nếu đức tin của chúng ta chỉ bằng hạt cải thì
chúng ta có thể làm được những việc vượt qua sức của chúng ta. Chúng ta có thể nhận ra được những ơn lành
Chúa ban, khiêm tốn hy sinh, phục vụ và quảng đại.
Trong bài Tin mừng hôm nay, các tông đồ
cảm thấy đức tin của mình còn yếu kém nên đã chân thành thưa với Chúa Giê-su:
“Xin Thầy ban thêm lòng tin cho chúng con.” Chúa nói với các ông: “Phần các con cũng vậy, khi các con làm xong
mọi điều đã truyền dạy các con, thì các con hãy nói rằng: ‘Chúng tôi là đầy tớ
vô dụng, vì chúng tôi đã làm điều chúng tôi phải làm.’” Hay nói một cách khác, Chúa
dạy các môn đệ và chúng ta hôm nay hy sinh phục vụ trong tinh thần khiêm tốn và
vui mừng, noi gương Chúa, để trở nên những Ki-tô hữu chân chính.
Chúng ta cầu xin Chúa, qua lời cầu bầu của
Đức Maria, nhận ra sức mạnh của kinh Mân côi và sống
Lời Chúa dạy, ban thêm đức tin cho chúng ta, để chúng ta trở thành những người
con hiếu thảo của Mẹ, trở thành chứng nhân cho Chúa, rao giảng Tin mừng, dẫn
đưa những người chung quanh đến với Chúa Ki-tô bằng những gương sáng tốt lành
và thánh thiện.
Lm. Chánh xứ

Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét