Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2015

Chúa Nhật 17 Thường Niên Năm B_2015

Ông bà anh chị em thân mến. Có một người Việt Nam sang sinh sống ở Hoa kỳ theo diện HO đã kể lại câu chuyện thời gian bị đi tù cải tạo như sau.  Sau ngày 30 tháng Tư, năm 1975, ông đã ra trình diện như những quân nhân khác và bị bắt đi tù cải tạo 12 năm.  Có khoảng mấy trăm người cùng bị giam trong trại tù với ông. Trong thời gian này,
ngoài những buổi bị cưỡng ép học tập, hàng ngày tất cả tù nhân đều phải đi làm công tác lao động từ sáng sớm cho đến chiều tối.  Họ dậy từ sáng sớm, chân không, đầu trần, và đi bộ đến công trường dưới sức nóng gay gắt mùa hè của mặt trời.  Một số người ngất xỉu trên đường, đều bị trói, bị đánh và bị bỏ rơi dọc đường dưới sức nóng khủng khiếp và bị ruồi muỗi tấn công.  Nhiều người đã bị thiệt mạng vì đói khát, vì bị đối xử tàn nhẫn trong sự tra tấn dã man, và vì lao động khổ cực này.
Thế nhưng, theo lời ông HO thố lộ, quân thù chính của họ không phải là những cán bộ coi tù, cũng không phải là tình trạng tàn nhẫn, khổ cực mà họ đang chịu, mà là chính họ.  Sự sợ hãi, đói khổ, bị tra tấn và luật lệ của rừng rú nơi khỉ ho cò gáy, làm cho họ kinh hoàng.  Vì thế họ ăn cắp, ăn trộm và lừa dối lẫn nhau.  Họ không tin nhau, và để lấy lòng cán bộ coi tù, họ tố giác, gian dối, nói xấu và chỉ điểm lẫn nhau.  Các cán bộ gác trại giam đã nhạo cười khinh bỉ họ, từ những người lính kiêu hùng gan dạ, giờ đây trở thành những người khiếp đảm, sợ hãi và nhu nhược.
Tinh thần của họ bị tiêu tán và cần một cái gì để phấn khởi lên tinh thần, nhưng họ có thể làm được gì trong tình trạng đau khổ và tuyệt vọng này!  Họ cố gắng bằng cách này, bằng cách nọ để an ủi và hỗ trợ nhau, nhưng đều thất bại.  Cuối cùng, 2 tù nhân Công giáo quyết định, không màng nguy hiểm, dùng đức tin của mình để củng cố tinh thần, tạo niềm tin và danh dự cho mọi người.  Trong âm thầm và kín đáo, họ kêu gọi và tổ chức từng nhóm 2 hay 3 người.  Sau đó, họ tập đọc kinh và cầu nguyện cho mọi người trong nhóm.  Họ nhờ những thân nhân đi thăm nuôi, xé những trang sách Tin mừng, hóa trang thành những giấy bọc đồ ăn, mang vào và sau đó đọc cho nhau nghe.  Trong âm thầm họ chia sẻ ý nghĩa, tâm tư và truyền tay những trang Tin mừng để đọc.  Dần dần, nhiều người khác cũng tham gia những tổ cầu nguyện thầm kín, từ từ họ biết đọc kinh, lần hạt, hay được nghe hoặc đọc những câu truyện về Chúa Giêsu. 
Qua việc đọc, lắng nghe những câu truyện về Chúa Giê-su trong Tin mừng và chia sẻ, họ nhận ra được những khó khăn và đau khổ mà họ đang chịu, cũng là những sự đau khổ, nhục nhằn mà Chúa Giêsu đã trải qua.  Chúa Giêsu cũng đã chịu đói khát trong hoang địa, chịu sự mệt mỏi, kiệt sức trong công việc, cũng như có những đêm không có nơi nương tựa.  Hơn nữa, Chúa còn chịu những sự phản bội, chỉ điểm và bỏ rơi, cũng như những sự tra tấn dã man và tàn nhẫn của quân thù.  Thân hình của Chúa cũng bị những làn roi quất in vào.  Ngoài ra, Chúa còn chịu những sự chống đối, sỉ nhục và phỉ báng của những người chung quanh. 
Những tù nhân dần dần nhận ra Chúa Giêsu là gì, nói những gì, làm những gì, và nhất là những gì Chúa đã phải chịu. Cuộc đời của Chúa Giê-su bắt đầu thấm nhập vào, và trở thành sống động trong tâm hồn họ. Họ không còn nghĩ mình là nạn nhân của những sự đau khổ và nhục nhằn.  Họ từ từ chấm dứt nghi ngờ, chỉ điểm và hãm hại lẫn nhau.  Họ đoàn kết, hiệp nhất và giúp nhau sống những ngày khổ cực một cách can trường, danh dự hơn. Cuộc sống của mọi người trong nhóm hoàn toàn thay đổi.  Họ cầu nguyện không cho chính họ mà cho nhau, và khi họ cầu nguyện họ không xin được cái này hay cái khác, họ chỉ xin sự bình an trong tâm hồn, xin phó thác và vững lòng trông cậy vào Chúa và Mẹ Maria. Một niềm hy vọng dâng lên trong tâm hồn mọi người.  Sau khi được thả về nhà, những tù nhân đã thố lộ rằng đó chính là sự khác biệt giữa cuộc sống tuyệt vọng và hy vọng, giữa sự sống và sự chết.
Ông bà anh chị em thân mến.  Câu chuyện 2 người tù Công giáo đã hy sinh chia sẻ đời sống đức tin nhỏ bé của mình để biến đổi cuộc sống và tình trạng trong trại tù ở trên, mang một sự trùng hợp xâu sa với câu chuyện của em bé trong bài Tin mừng mà chúng ta vừa nghe. / Em bé đã hy sinh chia sẻ tất cả phần ăn đơn sơ nhỏ bé của mình, cho sự sống của đám đông đói khát và tuyệt vọng trong hoang địa, và Chúa Giêsu đã thực hiện những gì còn lại.  Chúa đã làm phép lạ biến 2 con cá và 5 chiếc bánh của em ra nhiều, để nuôi đám đông dân chúng. Chúng ta thấy Chúa Giêsu cũng đã dùng đời sống chứng tá đức tin của 2 người tù Công giáo và biến hóa một cách lạ lùng ngoài sức tưởng tượng và khả năng của chính họ.
Thật vậy, phép lạ Chúa Giêsu đã thực hiện cứu đám đông khỏi đói khát, và cho những người tù trong trại cải tạo, thì Người cũng muốn thực hiện cho mọi người, cho mọi gia đình, cho cộng đoàn chúng ta và cho xã hội hôm nay, và cho mọi người hiện diện trong Thánh lễ hôm nay.  Thế nhưng, Chúa Giê-su cần và kêu gọi mọi người chúng ta hợp tác với Người, như em bé trong bài Tin mừng và như 2 người tù cải tạo.  Thật vậy, sự cộng tác nhỏ bé của mỗi người chúng ta thật quan trọng để Thiên Chúa tỏ bày vinh quang và ban ơn cứu độ.  Thánh Au-gút-ti-nô đã viết rằng, “Thiên Chúa dựng nên con người không cần con người, nhưng để cứu chuộc con người, thì Ngài cần đến sự cộng tác của con người.”  Chúa muốn chúng ta cộng tác với Người bằng cách chia sẻ đời sống chứng tá đức tin và sự trung thành với giáo huấn của Chúa; Chúa muốn chúng ta cộng tác bằng cách hy sinh thời giờ để phục vụ và giúp đỡ, cũng như cố gắng xây dựng tình yêu thương hiệp nhất trong cộng đoàn giáo xứ; Chúa muốn chúng ta cộng tác bằng cách chia sẻ những ơn lành với những người nghèo khó; bằng cách sống tình bác ái và quảng đại để xây dựng giáo xứ làm sáng danh Chúa.
Ông bà anh chị em thân mến.  Chúa Giê-su tiếp tục chia sẻ sự sống và tình yêu của Thiên Chúa với chúng ta trong Bí tích Thánh Thể. Một trong những sứ điệp quan trọng mà Bí tích Thánh Thể muốn thông truyền cho chúng ta, đó là tình chia sẻ để xây dựng yêu thương liên đới hợp nhất trong đức tin. Thánh Phaolô trong bài đọc 2, lo lắng băn khoăn vì sự chia rẽ và tranh chấp giữa các tín hữu trong cộng đoàn ở Êphêxô. Ngài đã giáo huấn họ một cách cụ thể, với cách so sánh cộng đoàn như một thân thể, và chỉ có một Thần Khí duy nhất, nối kết mọi chi thể để làm cho thân thể ấy được sống, mạnh khỏe và hoạt động.  Chúng ta cầu xin Chúa ban cho chúng ta tấm lòng quảng đại chia sẻ tình yêu Chúa với những người chung quanh, và hiệp nhất với nhau trong giáo xứ, trong Thân Thể Chúa Ki-tô, để chúng ta xây dựng và làm Sáng danh Chúa.
 Lm. Chánh xứ
 

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....