Thứ Bảy, 22 tháng 7, 2017

Chúa Nhật 16 Thường Niên. Năm A_2017.

 

Ông bà anh chị em thân mến. Bắt đầu từ bài Tin mừng Chúa nhật tuần vừa qua cho đến mấy tuần tiếp theo, Chúa Giê-su kể cho chúng ta nghe những câu chuyện dụ ngôn ám chỉ về Nước Trời.  Chúa nhật tuần trước, chúng ta nghe dụ ngôn Người Gieo Hạt Giống, và bài Tin mừng cho chúng ta biết Chúa Giê-su là người gieo hạt giống Lời Chúa vào tâm hồn của mọi người.
Hạt giống Lời Chúa có sinh hoa kết quả hay không và bao nhiêu tùy vào thái độ của người nghe là chính chúng ta đây.  Để giúp chúng ta biết rõ những khía cạnh phức tạp cũng như hiểu về sự tăng trưởng của Nước Trời như thế nào, trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su kể cho chúng ta ba dụ ngôn Cỏ lùng và lúa, Hạt cải và Bột men.  Dụ ngôn Hạt cải ám chỉ Nước Trời bắt đầu rất nhỏ bé như hạt cải với việc chọn có mười hai tông đồ, là những người yếu kém trong xã hội, nhưng các ông đã được Chúa Thánh Thần biến đổi trở thành những người trung thành, can trường và hy sinh cuộc sống để làm cho Nước Chúa lớn lên, tăng trưởng và lan rộng khắp nơi như ngày nay.

Dụ ngôn nắm bột dậy men ám chỉ việc bành trướng của Nước Chúa lúc đầu cũng chỉ là nắm bột nhỏ bé chưa dậy lên, nhưng nhờ được men dần dần thấm vào làm cho cả nắm bột dậy lên, to lớn lên.  Men là những nhân đức, là đời sống tốt lành, thánh thiện, hy sinh và bác ái của người chân thành sống Lời Chúa sẽ có những tác động lạ lùng, có ảnh hưởng tốt đến và có khả năng từ từ biến đổi đời sống của những người chung quanh, kết hợp họ lại trong một nắm bột dậy men là Nước Chúa, là Giáo hội, là Thân Thể Chúa Ki-tô.

Dụ ngôn Cỏ lùng và lúa trong một thửa ruộng gây những thắc mắc và có những khía cạnh khó hiểu, do đó chúng ta thấy các môn đệ đã xin Chúa giải nghĩa.  Chúa đã giải nghĩa cho các môn đệ dụ ngôn này, và sự giải nghĩa của Chúa là một bài giáo lý rất quan trọng cho người nào có lòng xác tín vào Chúa và vào lời của Người, để được sống trong ân sủng, an bình đời này và hạnh phúc vĩnh cửu đời sau.  Người gieo giống là Thiên Chúa, hạt lúa giống là con người, thửa ruộng là thế gian, là Giáo hội, là xã hội con người, là cộng đoàn hay gia đình.  Người gieo cỏ lùng là ma quỉ.  Cỏ lùng là sự dữ, gian dối và tội lỗi hay người xấu.  Mùa gặt là ngày chết cá nhân hay ngày tận thế của nhân loại. Thợ gặt là các thiên thần.  Sau sự phán xét công minh chính trực của Thiên Chúa, lúa tốt thì được loại riêng ra và thu vào kho lẫm, tức là người thánh thiện có lòng bác ái và quảng đại thì được vào nơi hưởng hạnh phúc bình an, còn cỏ lùng là những người gian ác, tội lỗi và ích kỷ thì sẽ bị ném vào hỏa ngục, nơi đó họ bị thiêu đốt đau khổ trầm luân.

Ông bà anh chị em thân mến. Chúng ta nhận thấy ở bất cứ nơi nào trên thế gian này đều có điều tốt lành và sự dữ, có sự hiện diện của người tốt người xấu sống bên nhau.  Chúng ta không thấy một xã hội nào, cộng đoàn nào hay gia đình nào hoàn toàn là những người tốt, và cũng chẳng có nơi nào hoàn toàn là những người xấu.  Điều tốt lành và sự dữ, người xấu và người tốt hiện diện và sống chung với nhau, và trong xã hội này nhiều khi khó nhận ra ai là người tốt, ai là người xấu, và việc nào tốt việc nào xấu, dữ, vì nhiều khi điều đó chúng ta cho là phải và thích hôm nay, nhưng trở nên xấu và có hại ngày mai.  Có những sự khó khăn, đau khổ hôm nay nhưng sẽ trở thành tốt và có ích lợi ngày mai.

Có một điều căn bản ở thiên nhiên mà chúng ta biết rõ là cỏ lùng, vì bản chất của nó là cỏ xấu vô dụng, tuy bên ngoài và khi còn nhỏ nhìn giống cây lúa nhưng nó không thể nào biến thành lúa được. Cũng thế, lúa thì lúc nào nó cũng là cây lúa chỉ có điều là nó sản xuất ít hay nhiều, chứ không bao giờ biến dạng trở thành cỏ lùng được.  Nhưng với con người thì không như vậy.  Con người được Thiên Chúa tạo dựng giống hình ảnh của Người.  Khi mới sinh ra thì tốt lành, nhưng với thời gian lớn lên vẫn tốt hay có thể trở thành xấu đi.  Chúng ta  thấy có người trước kia, hôm qua là lúa tốt, người tốt, bây giờ là cỏ lùng, là người tội lỗi, là người xấu.  Ngược lại, có người trước kia là cỏ lùng, là người xấu bây giờ là lúa, là người tốt.  Dĩ nhiên cũng có những người luôn luôn là lúa tốt và những người lúc nào cũng là cỏ lùng. Điều quan trọng đối với những người Kitô hữu chúng ta hay bất cứ ai là khi chết chúng ta đang ở trong tình trạng nào cỏ lùng hay lúa tốt, vì sẽ quyết định cho số phận của chúng ta được hưởng hạnh phúc hay bị đau khổ trong hỏa ngục.

Ông bà anh chị em thân mến. Thiên Chúa yêu thương và nhân từ với chúng ta cho nên Người muốn chúng ta là những người tốt. Chúa còn ban ơn sủng để biến đổi cỏ lùng, như người con hoang đàng, người đàn bà ngoại tình, như thánh Au-gút-ti-nô hay như nhiều người tội lỗi khác đã trở nên tốt lành, thánh thiện. Vì vậy, tốt hay xấu, được thưởng hay phạt là do chính sự quyết định có chấp nhận ân sủng của Chúa của mỗi người chúng ta hôm nay hay không, vì thế khi kết thúc dụ ngôn, Chúa nói: “Ai có tai thì nghe”, có nghĩa là Chúa muốn nhắc nhở chúng ta biết chúng ta được Chúa thương yêu, ban cho nhiều ơn lành và khôn ngoan, để chúng ta biết phân biệt điều tốt xấu, đúng sai, để chúng ta sống giáo huấn của Tin mừng của Người, và luôn tỉnh thức đừng bị ma quỉ lừa dối.  Ma quỉ luôn chờ cơ hội và dùng nhiều cạm bẫy ngon ngọt và hấp dẫn để biến chúng ta thành cỏ lùng.  Ma quỉ dùng mọi mưu chước làm cho chúng ta cảm thấy vui, thích, lợi lộc và thoải mái để lôi chúng ta vào đời sống tội lỗi và lầm lạc.  Ma quỉ dùng mọi mưu chước, cạm bẫy và con người để chia rẽ Giáo hội, giáo xứ, và cản trở sự lớn mạnh và phát triển của Nước Chúa.

Qua dụ ngôn này, Chúa muốn chúng ta sống ở đời này phải luôn tỉnh thức và chiến đấu loại trừ cỏ lùng là tội lỗi và những sự xấu, đồng thời biết sống tốt lành, bác ái và quảng đại, tích trữ công đức để đến mùa gặt, tức là khi chúng ta nhắm mắt xuôi tay, và sau khi phán xét, chúng ta sẽ được các thiên thần dẫn chúng ta vào bên lúa tốt, được Chúa thu vào kho lẫm của Người, bởi vì chúng ta sống làm sao, như thế nào ở đời này, Chúa sẽ căn cứ vào đó để thưởng hay phạt chúng ta.  Xin Chúa ban ơn giúp sức để chúng ta là những cây lúa sinh nhiều bông hạt tốt, và biến đổi chúng ta thành những men tốt để đời sống đức tin của chúng ta có tác động, có ảnh hưởng và có sức mạnh lôi kéo người khác đến với Chúa.

 Lm. Chánh xứ




Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....