Thứ Bảy, 12 tháng 7, 2014

Chúa Nhật 15 Thường Niên Năm A_2014


Ông bà anh chị em thân mến.  Từ khi Chúa Giê-su bắt đầu thi hành sứ vụ công khai rao giảng Nước Trời, và kêu gọi mọi người ăn năn hối cải để đón nhận Tin mừng, chúng ta được biết, một số người tiếp nhận, nhưng phần đông dân chúng từ chối, dửng dung, không quan tâm.  
Mặc dù đã nghe Chúa giảng dạy với uy quyền, khuyên bảo với những lời nhẹ nhàng và chân thành, nhất là chứng kiến nhiều phép lạ Chúa làm trước mắt, nhưng đám đông dân chúng vẫn thờ ơ, lạnh nhạt, chai đá và không muốn sửa đổi đời sống.  Nhưng vì yêu thương và đầy lòng nhân từ, Chúa Giê-su vẫn tiếp tục giảng dạy họ.  Và như chúng ta vừa nghe trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa dùng dụ ngôn, dụ ngôn người gieo hạt giống,  để giảng dạy dân chúng thời đó và chúng ta hôm nay. 

Trước hết chúng ta phải hiểu dụ ngôn không nhằm mục đích cung cấp sự hiểu biết hay kiến thức lý thuyết cho người nghe, mà là một tấm gương soi, giúp cho người nghe, nếu họ thành tâm muốn nghe, nhìn vào, nhận ra những lời dạy bảo tốt, cần thiết, và quan trọng hơn là nhận ra những lầm lỗi của chính mình, để thay đổi thái độ và cách sống.  Thường thì các thính giả nghe dụ ngôn nhận ngay ra chủ ý của người kể.  Và chúng ta cũng nên chú ý mục đích của người kể dụ ngôn là muốn thính giả nhận ra họ trong các nhân vật hay sự việc được đề cập đến trong dụ ngôn.       

Dụ ngôn Người gieo hạt giống mà Chúa kể trong Tin mừng hôm nay là dụ ngôn đầu tiên trong 1 loạt các dụ ngôn.  Chúa dùng những hình ảnh đơn sơ thực tế để giảng dạy về Nước Trời như mẻ cá, tiệc cưới.  Chính Chúa Giêsu đã giải thích rõ cho chúng ta biết: người gieo giống và thu hoạch kết quả là Thiên Chúa;  hạt giống là Chúa Giêsu hay là giáo huấn của Chúa dạy; và các loại vườn là tình trạng tâm hồn hay thái độ tiếp nhận của mỗi người chúng ta.

Một cách tổng quát, chúng ta nhận ra 3 điều quan trọng của dụ ngôn.  Điều quan trọng thứ nhất mà chúng ta phải chú ý là dụ ngôn này trực tiếp dạy cho chúng ta biết số phận và kết quả khác nhau của lời Chúa tùy thuộc vào thái độ hay tình trạng tâm hồn của chúng ta. 

Điều quan trọng thứ hai là kết quả khác nhau của lời Chúa  là do nhiều sự cản trở nơi người nghe hay trong cuộc sống của chúng ta.  Những cản trở này được sắp đặt thứ tự như sau: cản trở thứ nhất là trí khôn, có nghĩa là, những người nghe lời Chúa mà không chú ý, không muốn hiểu, không có lòng chân thành, thì giống như hạt giống rơi trên vệ đường.  Cản trở thứ hai là ý chí, là những người nghe lời Chúa, nhưng hời hợt, nông cạn, nên khi gặp những khó khăn, thử thách thì ngã lòng hay nghi ngời, giống như những hạt giống rơi trên đá sỏi.  Cản trở thứ ba là tình cảm, là những người nghe lời Chúa mà không thực hành, không sống theo lời giáo huấn của Chúa, có đời sống theo sự cám dỗ của thế gian, ham mê của cải tiền bạc, danh vọng và quá lo lắng việc đời, nên những thứ cản trở này bóp nghẹt lời Chúa, giống như những hạt giống rơi vào bụi gai.

Điều quan trọng thứ ba mà chúng ta phải chú ý khi nghe dụ ngôn người gieo giống là kết quả lời Chúa gieo vào đất tốt, có nghĩa là người lắng nghe và thực hành lời Chúa, dĩ nhiên sẽ có kết quả trong đời sống, nhưng kết quả cũng khác nhau và được Chúa diễn tả bằng 3 con số 30, 60 và 100.

Như vậy ông bà anh chị em thân mến, chúng ta thấy kết quả và số phận lời Chúa tùy thuộc vào thái độ và tình trạng tâm hồn của mỗi người chúng ta, cho nên trong phần kết của dụ ngôn, Chúa nói:  “Ai có tai thì nghe” có nghĩa là Chúa muốn nhắc nhở chúng ta là những người được Chúa thương yêu, lo lắng ban nhiều ơn lành hồn xác, và trí khôn phải suy nghĩ.  Lời Chúa là nền tảng đức tin, ơn cứu độ và hạnh phúc Nước Trời của chúng ta.  Thế nhưng lời Chúa có giá trị hay quan trọng mấy chăng nữa, mà chúng ta những người nghe và có đức tin, không có sự khao khát chú ý lắng nghe, và thành tâm sống hay đem ra thực hành, thì vẫn là vô ích, không có giá trị, có khi còn bị mất ơn sủng như Chúa tuyên bố “Ai đã có, thì được cho thêm và được dư dật, còn kẻ không có, thì cái họ có cũng bị lấy đi.”  Có nghĩa là ai lắng nghe và thực hành lời Chúa thì sẽ được Chúa ban tràn đầy ơn huệ bằng an và hy vọng, nhất là đức tin được củng cố và vững mạnh hơn vượt qua khỏi những  khó khăn trong cuộc sống.  Những người thờ ơ, không chú ý hay nghe mà không thực hành thì đức tin, bình an và hy vọng sẽ dần dần tàn lụi, hay đời sống đức tin chỉ còn hình thức bên ngoài, và cuộc sống sẽ dần dần mất đi những ý nghĩa, giá trị cao quí.

Hôm nay chúng ta hãy nhìn vào tấm gương dụ ngôn Người gieo hạt giống, và tự hỏi: Chúa muốn nói với chúng ta điều gì qua dụ ngôn người gieo hạt giống?  Lời Chúa có quan trọng và cần thiết đối với chúng ta không?   Nếu chúng ta thấy lời Chúa cần thiết cho đời sống đức tin, mang lại ơn sủng và hạnh phúc Nước Trời thì chúng ta phải làm gì để có lòng chân thành và năng lắng nghe lời Chúa?  Chúng ta hãy tự suy xét xem: tâm hồn chúng ta giống loại ruộng, mảnh đất nào: vệ đường; đá sỏi; bụi gai; hay đất tốt?   Đời sống đức tin, đời sống đạo của chúng ta có sinh ra hoa trái gì không?  Chúng ta có nhìn thấy hoa trái này không?  Hay  đức tin, đời sống đạo của chúng ta dần dần lạnh nhạt đi, chỉ còn hình thức bề ngoài?   Những trở ngại nào trong cuộc sống làm cho lời Chúa không sống, không phát triển và sinh hoa kết trái được?  Chúng ta phải làm sao để hạt giống lời Chúa sinh hoa kết trái trong cuộc sống?  

Xin Thiên Chúa ban cho chúng ta sự sáng suốt để nhận định rõ hơn tình trạng tâm hồn và thái độ của chúng ta trước lời giảng dạy của Chúa, can đảm và thành tâm sửa đổi, để chúng ta có lòng khao khát và chân thành yêu mến lời Chúa hơn.  Nhất là nhận biết lời Chúa là nền tảng của đức tin và là ánh sáng thật soi dẫn chúng ta qua khỏi những trở ngại, được bình an, để đời sống chúng ta sinh hoa kết quả tốt đẹp trong cuộc hành trình nơi trần gian, và dẫn chúng ta tới đích thật là hạnh phúc Nước Trời.  

Lm. Chánh xứ
 

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....